Trẻ luôn mong muốn tìm hiểu lý do đằng sau mỗi hiện tượng mà chúng tiếp xúc. Bộ sách phi hư cấu dưới đây sẽ giúp trẻ trả lời những câu hỏi đó.
Nhiều trẻ yêu thích những cuốn sách phi hư cấu (non-fiction) hơn cả những cuốn sách hư cấu. Với những thông tin mới mẻ, sách phi hư cấu có thể khiến trẻ chìm đắm hàng giờ trong những câu chuyện về khủng long, vương quốc cổ xưa hoặc các phương pháp chế tạo máy bay giấy mới nhất.
Bộ sách 50 khám phá về những siêu năng lực kỳ quặc của con người và động vật. Ảnh: Crabit Kidbooks |
Trẻ em có thể tận hưởng những kiến thức trong những cuốn sách phi hư cấu một cách thú vị, bởi những hình ảnh minh họa sinh động, thông tin khoa học được cung cấp chọn lọc, gợi mở sự tò mò cho các bé, kích thích niềm đam mê cho các nhà bác học nhí tương lai.
Bộ sách 50 khám phá về những siêu năng lực kỳ quặc của con người và động vật (Nhà Xuất bản Hà Nội và Crabit Kidbooks liên kết phát hành) vừa là sách khoa học “nhập môn” cho những bạn mới bắt đầu, vừa thổi luồng gió mới cho những mọt sách khoa học vốn đã quen với những cuốn sách chi chít số liệu và tư liệu.
Bộ sách còn là kho tàng kiến thức với những bạn nhỏ mê khám phá. Thế giới thật muôn màu muôn vẻ, các bạn nhỏ sẽ được biết mọi điều kỳ quặc về đủ mọi loài vật và thậm chí là cả con người ở khắp nơi trên Trái Đất.
Không chỉ thú vị về nội dung, cuốn sách lại còn có những hình minh họa sáng tạo và ngộ nghĩnh. Hình trong sách được minh họa theo lối digital, vẽ mảng, khối, gợi nhớ đến các bảng thông tin khoa học hiện đại sinh động (infographic). Mỗi mục lại được đặt cho một cái tựa rõ kêu, giúp khơi gợi trí tò mò cho trẻ.
Câu chuyện “Nước mũi kỳ diệu” trong cuốn 50 khám phá về những siêu năng lực kỳ quặc của loài người. Ảnh: Crabit Kidbooks |
Ở độ tuổi 5-9 tuổi, tức là giai đoạn trẻ bước vào lứa tuổi tiểu học, trẻ bắt đầu tò mò hơn về thế giới và đặt ra vô vàn những câu hỏi vì sao. Và chắc hẳn không phải ai trong chúng ta cũng biết mọi câu trả lời cho những thắc mắc của con.
Cũng vì vậy, những cuốn sách khoa học phù hợp sự phát triển nhận thức và kỹ năng xã hội của trẻ. Chúng không chỉ giúp trẻ tiếp tục duy trì niềm vui đối với việc đọc sách, mà còn hỗ trợ trẻ học tập tốt hơn thông qua việc rèn luyện tư duy, khả năng tập trung và tìm tòi những kiến thức mới mẻ.
Ví dụ trong cuốn 50 khám phá về những siêu năng lực kỳ quặc của loài người có một câu chuyện rất thú vị về “Nước mũi kỳ diệu”.
Bằng việc khích lệ, khơi gợi trí tò mò hay lắng nghe những thắc mắc của trẻ qua những câu hỏi về nước mũi như “Vì sao con lại có nước mũi?”, “Vì sao nước mũi lúc thì có màu trắng, lúc lại trở nên xanh lè?”, “Gỉ mũi là gì?”, bố mẹ có thể trò chuyện và giúp con hiểu, biết cách bảo vệ sức khỏe của mình một cách vui vẻ và tự giác nhất.
Và câu trả lời sẽ là “Nước mũi, bất ngờ thay lại có công dụng ngăn chặn mọi virus xâm nhập đường hô hấp. Không chỉ đóng vai trò bảo vệ thôi đâu, miệng, mũi, họng, phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể cũng đều sản xuất ra chất nhầy để giữ chúng luôn ẩm ướt”...
Với cách giải thích dí dỏm và gần gũi và dễ nhớ như vậy, trẻ sẽ thích thú hơn với việc tìm hiểu các thông tin khoa học.
Theo Zing