Tiếp nối Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, một bộ sách nhật ký và ghi chép văn học đồ sộ về chiến trường Quân khu V trong giai đoạn từ 1962 đến hết 1975 của nhà văn Phan Tứ vừa được Nhà xuất bản Văn học chính thức ra mắt bạn đọc.
Bộ sách 3 tập, gồm 2.500 trang này là kết quả của một quá trình biên tập, dịch thuật, hiệu đính công phu, chắt lọc từ 7.000 trang ghi chép của tác giả trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Mặc dù đã cho ra mắt nhiều tác phẩm, trong đó lớn nhất có thể kể tới bộ sách đồ sộ gói gọn toàn bộ văn nghiệp là Phan Tứ toàn tập (gồm 5 tập) được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2002, thế nhưng phải tới khi nhà văn Phan Tứ qua đời, người ta mới biết ông vẫn còn một khối di bút vô cùng đồ sộ chưa từng được công bố, đó là bộ nhật ký và ghi chép với hàng chục cuốn sổ tay lên tới 7.000 trang. Người đầu tiên phát hiện và gìn giữ số tư liệu này trong suốt những năm qua chính là vợ ông - bà Đinh Thị Phương Thảo.
Đã nhiều lần những người thân trong gia đình nhà văn Phan Tứ muốn công bố rộng rãi, nhưng rồi lại ngần ngại bởi ở ngoài mỗi cuốn sổ ghi chép ông đều ghi: “Mật - ghi chép riêng của Phan Bốn (tên gọi khác của ông thường dùng trong chiến tranh) không ai được xem”. Mãi về sau này, người chị ruột của nhà văn Phan Tứ là bà Lê Thị Kinh sau khi đọc các ghi chép của em trai mình, nhận thấy được giá trị to lớn của khối di bút này, đã thuyết phục những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp quyết tâm giải mã, dịch thuật khối tư liệu đồ sộ này.
Bộ nhật ký của nhà văn Phan Tứ được ghi chép bằng 5 thứ tiếng: Lào, Pháp, Nga, Anh và tiếng Việt. Chỉ riêng việc biên dịch lại những ghi chép của ông từ 4 thứ tiếng nước ngoài đã có tới 10 người tham gia và kéo dài liên tục trong 5 năm (từ 2005 đến 2010). Qua những ghi chép tỉ mỉ của tác giả, hiện thực về những năm tháng chiến tranh khốc liệt của dân tộc hiện lên một cách sâu sắc và sống động. Có lẽ cũng giống như bao cuốn nhật ký chiến tranh khác, điều trước tiên làm nên giá trị hiện thực của tác phẩm này và khiến chúng ta cảm phục chính là sự trải nghiệm, sự dấn thân của người viết trước bom đạn ác liệt của chiến tranh, trước sức làm việc và nghị lực phi thường của tác giả khi ông đã vượt qua muôn vàn khó khăn để có được những trang tư liệu giá trị về cuộc đấu tranh hào hùng của dân tộc. Nhà văn Phan Tứ đã ghi lại những “trang đời” ấy với đôi mắt cận thị nặng, bàn tay và cột sống bị sưng khớp, trong những ngày dài đói cơm lạt muối, trong sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng, dưới mưa bom bão đạn và những cuộc càn quét, phục kích của địch.
Cùng với Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, Từ chiến trường khu 5 của Phan Tứ sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của “văn liệu” - thể loại văn học xung kích, mới mẻ và đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh.
Năm 2011 này, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng sẽ tiến hành kỷ niệm 40 năm thành lập. Chiến trường Khu V và Nam Trung Lào là một trong những nơi trong chiến tranh, đế quốc Mỹ rải nhiều chất độc da cam nhằm triệt phá rừng, tàn phá mùa màng và con người. Nhà văn Phan Tứ là một người bị ảnh hưởng bởi chất độc chết người này. Ông đã phải chống chọi với hàng loạt những căn bệnh nan y trong suốt 15 năm cuối đời, để rồi bao hy vọng về một bộ tiểu thuyết đồ sộ về chiến tranh, về đất nước, xuất phát từ khối tư liệu phong phú ông đã dày công ghi chép trong nhiều năm phải dang dở và gác lại.
May mắn thay, những “trang đời” trải nghiệm bằng cả máu và nước mắt ấy giờ đây đã được gia đình, bạn bè ông tập hợp lại và xuất bản rộng rãi đến bạn đọc. Tác phẩm này sẽ góp thêm một tiếng nói đanh thép lên án tội ác chiến tranh, cũng như kêu gọi những tấm lòng nhân đạo của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới hướng về những nạn nhân cho tới giờ phút này vẫn phải chịu đựng dư âm khốc liệt của cuộc chiến.
TTVH