Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc đặt ra những quy định riêng như hiện hành không phát huy tính hiệu quả và đạt được đúng mục đích như mong muốn của chính sách.
Chiều 16.6, thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hải Dương) góp ý vào Dự thảo Luật Cư trú hiện hành đánh giá, Luật được thực hiện tương đối ổn định nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, cần phải sửa đổi. Về cơ bản, đại biểu tán thành với những quy định được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo lần này. Điển hình là việc xoá bỏ sự phân biệt trong việc đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương so với các tỉnh khác. Có thể thấy, nhu cầu có cuộc sống tốt hơn, công việc có thu nhập cao hơn hay một môi trường có nhiều cơ hội phát triển là nhu cầu thiết thực và chính đáng của mỗi con người. Việc hạn chế quyền di cư đến những nơi công dân có thể tìm kiếm những cơ hội cải thiện, nâng cao cuộc sống là vi phạm đến quyền tự do của con người, hạn chế quyền phát triển của công dân. Việc đặt ra những quy định riêng như hiện hành không phát huy hiệu quả và đạt được đúng mục đích như mong muốn của chính sách.
Sau khi quy định hạn chế về thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương được thực thi, việc di dân đến các thành phố này không có xu hướng giảm đi. Quyền lợi chính đáng của công dân sinh sống và làm việc tại các thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú không được bảo đảm do một số quyền gắn liền với điều kiện về thường trú như quyền về học tập, khám chữa bệnh… ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống của nhân dân. Do đó, việc bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp.
Đại biểu cũng tán thành việc bổ sung thêm các trường hợp xoá đăng ký thường trú tại điều 25 của Dự thảo để nâng cao trách nhiệm của công dân trong thực hiện khai báo cư trú, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước về cư trú. Bên cạnh đó, đại biểu bổ sung như sau: Tại khoản 1 điều 21 Dự thảo Luật quy định “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó”. Cụ thể điều này, khoản 1 điều 23 Dự thảo đã quy định các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, trong đó có “Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở” (điểm e khoản 1 điều 23 Dự thảo).
Giấy tờ mua, bán, tặng, cho đất đai và nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật (cụ thể là được công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Đất đai) có giá trị chứng nhận tính xác thực, hợp pháp đối với giao dịch của các bên. Nên việc quy định giấy tờ về mua, bán, tặng, cho nhà ở đúng với quy định về đất đai và nhà ở là một loại giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là có căn cứ và phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho công dân sớm thực hiện đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp của mình để ổn định cuộc sống.
Nhưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất chỉ thực sự hoàn thành và kết thúc khi thực hiện hoàn tất các thủ tục đăng ký đối với bất động sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về đăng ký tài sản. Trong khoảng thời gian từ khi các bên thực hiện lập giấy tờ, hợp đồng mua bán, tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở gắn liền với đất, công chứng hợp đồng theo quy định và thực hiện các nghĩa vụ kèm theo hợp đồng đến khi thực hiện hoàn tất các thủ tục về đăng ký đối với bất động sản, các bên vẫn có thể thoả thuận huỷ bỏ hợp đồng theo quy định tại Khoản 1 điều 51 Luật Công chứng “Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó”. Vậy nếu bên mua, bên được cho, nhận nhà ở đã thực hiện đăng ký thường trú bằng giấy tờ mua, bán, tặng, cho hợp lệ theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 23, nhưng sau đó, theo thoả thuận của các bên, hợp đồng mua, bán, tặng, cho bị huỷ bỏ thì đương nhiên nhà ở trong hợp đồng không thuộc quyền sở hữu của bên mua, bên được cho, nhận, nên việc bên mua có nơi thường trú tại nhà ở theo hợp đồng mua, bán, tặng, cho đã bị huỷ bỏ là không phù hợp.
Để tránh tình trạng hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở đã bị huỷ bỏ nhưng bên mua, bên được cho, nhận vẫn có nơi thường trú tại địa chỉ nhà ở trong hợp đồng do đăng ký thường trú theo hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở khi chưa bị huỷ bỏ, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung điều khoản xoá đăng ký thường trú đối với trường hợp “không tiếp tục thực hiện hợp đồng mua, bán, tặng, cho nhà ở theo quy định của pháp luật”.
Trong Điều 18 có nhắc đến nhóm đối tượng trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa được ở trong cơ sở tin ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù, nhóm đối tượng này được cưu mang, nương tựa ở trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không phải là người hoạt động tôn giáo. Đại biểu đề nghị sửa tên điều luật này để bao quát và phù hợp với các nhóm đối tượng được quy định trong phạm vi điều luật.
PV