Hỏi: Vợ chồng tôi có một con gái năm nay 19 tuổi. Thời gian gần đây cháu không tập trung học tập và không hay tâm sự với tôi như trước.
Tôi đã kiểm tra tin nhắn Zalo, Messenger của cháu nhưng không phát hiện bất thường. Hôm qua, trong lúc kiểm tra điện thoại thì cháu thấy nên rất giận và nói "mẹ xâm phạm đời tư của con là vi phạm pháp luật". Tôi cũng không rõ làm như vậy có vi phạm gì không?
TRẦN THỊ NGA(Chí Linh)
Trả lời: Quy định của pháp luật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được nêu rõ tại điều 21, Hiến pháp năm 2013.
Điều 38, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định cụ thể: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật, việc bạn tự ý đọc tin nhắn của con gái là đã xâm phạm quyền về đời sống riêng tư của con gái bạn.
Hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, tùy theo tính chất, mức độ có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chế tài hành chính: Hành vi tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, điều 101, nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Về chế tài hình sự: Hành vi xâm phạm bí mật, thông tin cá nhân của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 159, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).