Từ ngày con lớn 6 tuổi học online, chị Lê Thúy Liễu ở Hà Nội vừa phải kèm con học, vừa trông con nhỏ hơn một tuổi và tranh thủ làm việc.
18 giờ 45 tối thứ sáu, chị Liễu mở laptop, truy cập phần mềm Zoom để con gái kịp vào lớp rồi lại quay ra cho bé út ăn bột. Trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 từ ngày 1.4, các em phải học toán và tiếng Việt, một tuần hai buổi. Cô giáo chia lớp thành năm nhóm, mỗi nhóm 6-8 em, tương ứng năm ca học từ 15 -20 giờ tối thứ tư và sáu.
Vợ chồng chị Liễu đều làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài lĩnh vực thủy lợi và in ấn nên không được nghỉ theo chỉ thị cách ly xã hội. Hai tháng nay, gia đình chị phải gửi các con cho bà nội trông nom. Từ ngày con học online, sinh hoạt của chị Liễu và gia đình xáo trộn vì phải đẩy giờ ăn cơm lên sớm một tiếng trong khi 18h mới tan làm. Chị và chồng phải thay nhau về sớm để mở phần mềm học cho con do bà nội không thành thạo máy tính.
Con gái chị Liễu học online. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vì con còn bé nên vào giờ học, chị đều ngồi cạnh, xử lý những trục trặc máy móc, phần mềm khi cần. Có hôm vừa kèm con lớn học, chị phải trông bé út vì buổi tối bé quấn mẹ hoặc tranh thủ làm nốt việc. Quen có mẹ ở cạnh nên vừa vắng bóng, bé lớn cũng gọi rất to nhờ hỗ trợ khi cần.
Giữa các buổi học, giáo viên thường giao bài tập nối câu. Khi đó, chị phải vận dụng hết khả năng giảng dạy để cho con hiểu bài. Người mẹ quan niệm, học online không thể mang lại chất lượng như trên lớp, nếu không kèm đúng thì kết quả không đáng là bao.
"Nhiều khi mệt vì chăm sóc hai con cùng lúc, tôi nghĩ hay cho con nghỉ để mình tự dạy vào cuối tuần. Nhưng ngẫm lại, mình làm sao bằng giáo viên được, con được gặp thầy cô, bạn bè vẫn hơn", chị nói.
Sau bữa cơm tối, vợ chồng anh Lê Hồng Phong ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, cùng kèm con trai lớp 1, đang học Trường Tiểu học Hồng Hà. Nội dung bài học toán, tiếng Việt, tiếng Anh từng khối được trường đăng trên trang web đầu tuần, mỗi ngày giáo viên chủ nhiệm gửi và nhắc lại phụ huynh. Dựa vào hướng dẫn này, cha mẹ kèm con hoàn thành yêu cầu bài học, chỗ nào chưa hiểu thì trao đổi với cô giáo.
Theo anh Phong, cái khó khi dạy con học là phương pháp truyền đạt sao cho bé hiểu. Chẳng hạn, để dạy bài 93 môn tiếng Việt với vần "oan" và "oăn", vợ chồng anh xoay đủ cách. Những từ "vở toán", "đoàn tàu", "xoắn ốc" dễ tìm hình hoặc đồ vật minh họa nhưng với các từ trừu tượng "băn khoăn", "dự đoán", "đoàn kết", bố mẹ toát mồ hôi. Tương tự với bài học hôm sau tập đánh vần "oang", "oăng", bố mẹ phải mang cả áo choàng, lên mạng tìm hình con hoẵng để dạy.
Môn tiếng Anh càng khó hơn khi phụ huynh lo phát âm không chuẩn sẽ ảnh hưởng tới khả năng nghe của bé, dù các từ vựng rất đơn giản. Học phần nghe ở nhà, bé không mấy tập trung, khác hẳn với sự sôi nổi, tranh đua nghe, nói với chúng bạn khi ở lớp. "Cô giáo có kỹ năng sư phạm, có nhiều hình ảnh, dụng cụ học tập trực quan nên trẻ dễ hiểu, sau mỗi buổi học lại cho thêm các từ mới ở sổ báo bài để phụ huynh kèm. Trong khi bố mẹ tự dạy ở nhà rất vất vả", anh nói.
Để con bớt chán, buổi chiều hai mẹ con chơi trò thi nhau kể chuyện, thay nhau đọc một trang sách trong truyện cổ tích. "Tôi không đặt nặng con phải tiếp thu bao nhiêu kiến thức, quan trọng hơn là rèn thói quen học mỗi ngày", ông bố nói.
Con trai anh Lê Hồng Phong trong giờ học tại nhà |
Cũng giống Trường Tiểu học Hồng Hà, Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5 gửi video bài giảng và bài tập, lập nhóm chat Zalo để hướng dẫn phụ huynh dạy con tự học, không dạy trực tuyến. Được cơ quan cho làm việc từ xa, chị Lê Thị Phương Lan (phụ huynh lớp 2) dành trọn thời ở nhà làm việc và kèm con học.
Buổi sáng, chị nhận bài tập Toán, tiếng Việt và đề Tập làm văn từ giáo viên rồi in ra để sẵn lên bàn học của con. Mấy hôm đầu, bài học chủ yếu là ôn tập nhưng gần đây trường cho học bài mới.
Giống như nhiều phụ huynh trong lớp, chị Lan bối rối trong cách giải nhiều bài Toán, hướng dẫn con đặt câu môn tiếng Việt, viết tập làm văn. Chưa rõ điều gì, chị đều nhắn tin hỏi cô trên nhóm phụ huynh để được giải đáp, vừa là cơ hội trao đổi cách dạy với cha mẹ khác.
Phải hoàn thành công việc cơ quan và chăm sóc, kèm con học khi chồng công tác dài ngày, chị Lan thấy căng thẳng. Không đặt nặng thành tích học tập của con nhưng chị không muốn bé bị hụt kiến thức trong kỳ nghỉ kéo dài mà chưa biết khi nào đi học lại. "Quan trọng nhất vẫn là duy trì nề nếp học tập để bé bắt nhịp khi trường hoạt động lại", chị nói.
Năm học 2019-2020, học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2029-2020. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15.7, thi THPT quốc gia ngày 8-11.8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm và chậm nửa tháng so với lần điều chỉnh đầu tiên.
Hiện tất cả tỉnh, thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới, hoặc nghỉ hết 1-2 tuần đầu tháng 4 vì diễn biến phức tạp của Covid-19.
Theo VnExpress