Nhiều cặp cha mẹ trẻ thường lựa chọn gửi con cho ông bà chăm thay vì đưa con tới trường. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ 8X, 9X hiện nay đã gặp phải cú sốc khi bị ông bà yêu cầu trả tiền trông trẻ.
Khái niệm “bà chăm cháu” không còn quá xa lạ tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều bậc cha mẹ 8x, 9x đang gặp phải cơn khủng hoảng bất ngờ khi nhiều bậc ông bà từ chối chăm sóc cháu, hoặc yêu cầu con cái phải trả phí.
"Vụ lợi" hay tình cảm gia đình
Dịch vụ chăm sóc trẻ em không hề rẻ. Theo một nghiên cứu gần đây, phí chăm sóc em bé ở Anh đã tăng gần 6% chỉ sau một năm, trong đó phí chăm trẻ dưới 2 tuổi là gần 15.000 bảng mỗi năm.
Ở Mỹ, chi phí này cũng khá đắt đỏ. Khoản để gửi một đứa con vào nhà trẻ chiếm tới 32% thu nhập của một người bố hoặc mẹ. Vì vậy, nhiều cặp cha mẹ trẻ đã lựa chọn gửi con cho ông bà chăm thay vì đưa con tới trường.
Tuy nhiên, mới đây, một bài viết của một cặp vợ chồng trẻ được chia sẻ trên Reddit đã gây ra nhiều tranh cãi, khi họ phàn nàn về việc ông bà đòi tiền trông cháu khi họ đi làm.
Người bố chia sẻ trong bài rằng mẹ vợ anh, 67 tuổi, sẽ về hưu vào năm mà anh và vợ dự kiến sinh con, và họ cho rằng mọi chuyện sẽ ổn thỏa vì đã có bà trông cháu. Nhưng bố vợ anh, 67 tuổi, đã đưa ra một số điều kiện khi nói về việc chăm cháu.
Anh viết: “Vợ tôi luôn nói về việc bố cô ấy thích con gái mình phải có trách nhiệm về tài chính. Ông ấy không bao giờ thích ý tưởng ‘tặng quà miễn phí,’ nhưng sẽ giúp đỡ khi con gái cần về tài chính, như trả một phần học phí đại học, mua ôtô nếu con trả tiền bảo hiểm. Ông đã nói chuyện với tôi về quỹ hưu trí của ông (khoảng vài triệu USD) và số tiền ông ấy kiếm được (khoảng 150 nghìn USD mỗi năm) nên tôi biết ông ấy không cần tiền”.
Người dùng Reddit này cũng cho biết thêm bất cứ khi nào anh và vợ đề cập đến việc trông trẻ, bố mẹ về đều rất hào hứng vì họ sẽ được gặp cháu mỗi ngày. Nhưng sau khi vợ anh kết thúc thời gian nghỉ thai sản và nghỉ trông con, bố vợ anh bắt đầu nói về việc thanh toán chi phí trông trẻ.
Anh viết: ‘Tôi đang chuẩn bị đi làm trở lại, vợ tôi thì còn một tháng nữa và bố cô ấy bắt đầu nói về việc chúng tôi phải trả tiền trông trẻ. Ông không thích việc trông trẻ miễn phí. Ông bắt đầu so sánh giá của các nhà trẻ hiện nay và sẽ tính phí hàng tuần đối với chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, ông ước số tính số tiền lương sẽ khoảng 400 USD mỗi tuần cho việc trông trẻ, và thêm 100 USD cho những ngày cuối tuần.
Chúng tôi đã bị sốc và nghĩ với chi phí này, tốt nhất chúng tôi nên đưa con mình tới nhà trẻ. Như thế chúng tôi cũng bớt được thời gian đi lại”.
Người bố này cho biết thực ra anh và vợ cũng có ý định trả tiền cho ông bà. Nhưng khi bị ông bà chủ động đòi tiền, anh cảm thấy khó chịu với mức giá này. Anh cho biết thêm: “Vợ chồng chúng tôi cũng không khá giả lắm. Chúng tôi kiếm tiền chỉ vừa đủ sống. Vì vậy, chúng tôi đã cãi nhau to đến mức gần như quyết định sẽ không cho ông bà gặp cháu, trừ phi đến thăm họ vào cuối tuần”.
Tuy nhiên, những người dùng Internet lại tỏ ra không đồng tình với người bố này. Gần 2.000 bình luận cho rằng anh ta và vợ đã “quá vụ lợi”.
Một người dùng Reddit đã cho rằng người đàn ông này chỉ tập trung vào tiền bạc mà bỏ qua nguồn tài nguyên quý giá hơn cả là thời gian.
Bố mẹ vợ của anh ta đã làm xong nhiệm vụ của cuộc đời họ, là kết hôn, có con, chăm con. Đã đến lúc họ được nghỉ ngơi. Nhưng giờ đây, anh ta và vợ lại muốn đưa họ trở lại những ngày tháng bận rộn chăm sóc con cái một lần nữa.
Người dùng này cho biết: “Bạn nói rằng họ rất hào hứng với việc trông cháu. Nhưng tôi nghi ngờ rằng sự phấn khích đó xuất hiện trước khi họ nhận ra đây là một công việc toàn thời gian. Bây giờ họ đang cố gắng tìm một cách thức khéo léo để từ chối. Vì vậy, việc họ đòi 400 USD một tuần không phải là vì họ cần tiền, mà là để bạn có thể có một sự lựa chọn khác”.
Nhận xét này đã nhận được 9.900 lượt tán thành, trong khi một người dùng Reddit khác viết: “Tôi không hiểu sao bạn lại mong đợi họ làm điều đó với bất kỳ khoản tiền đáng kể nào mà bạn ‘dự định’ trả”.
Nhưng cũng có những ý kiến ủng hộ người đăng bài. Một số người cho biết họ không thể tưởng tượng được việc ông bà lại đòi tiền chăm sóc cháu.
Một người viết: “Đây hẳn là một điều mang tính văn hóa. Nhưng ở nước tôi (thuộc châu Âu), việc ông bà yêu cầu tiền trông cháu là điều không thể tưởng tượng được. Bố mẹ tôi thì nói ngay từ đầu rằng họ cảm thấy mình đã quá già và không còn sức để dành toàn bộ thời gian chạy theo một đứa trẻ mới biết đi, và điều này là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, họ vẫn thường qua thăm cháu, chăm sóc khi nó ốm hoặc khi chúng tôi đi vắng. Nhưng họ sẽ không bao giờ đòi được trả tiền để chăm sóc đứa cháu của chính họ. Hầu hết các ông bà ở đây đều chăm sóc cháu miễn phí, thường là suốt mùa Hè trong thời gian chúng được nghỉ học và khi chúng còn quá nhỏ”.
Nhiều người thì chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ quý giá cùng với ông bà. “Bây giờ bà ngoại 90 tuổi lại sống cùng chúng tôi và tất cả chúng tôi đều cùng chăm sóc bà. Đó không phải là lợi dụng lẫn nhau mà là sự gắn kết gia đình và sự gần gũi trong nhiều thế hệ. Theo một cách nào đó, đó là cách đầu tư vào thế hệ tương lai”.
Trên thực tế, việc chăm sóc một đứa trẻ toàn thời gian tốn rất nhiều sức lực và không thể nghỉ ngơi khi cần. Một người làm việc nặng có thể mệt mỏi mà dừng công việc của mình trong 1 ngày, hoặc thậm chí 1 tuần. Nhưng với một đứa trẻ, đó là điều rất khó hoặc không thể.
Nên dù có những ý kiến đồng tình, nhưng đa số những người tham gia cuộc thảo luận đều bày tỏ ý kiến là cặp vợ chồng trên nên cân đối chi phí để có thể gửi con đến trường thay vì chỉ trích và giận dỗi với ông bà.
Khác biệt thế hệ
Tuy nhiên, trong khi nhiều ông bà thuộc thế hệ baby boomer (những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh của thế giới sau Thế chiến II) đang từ chối việc chăm sóc cháu, thì những người sẵn sàng ở bên cạnh chăm sóc cháu lại vấp phải những khó khăn khác. Đó là sự khác biệt về cách nuôi dạy con cái so với thế hệ của con họ.
Các bậc cha mẹ thuộc thế hệ Millennial đang trao đổi về cách thức bảo vệ con cái khỏi những điều mà ông bà thuộc thế hệ baby boomer áp đặt lên chúng khi lớn lên. Sau khi bị ảnh hưởng từ cha mẹ suốt cả thời thơ ấu, họ đang cố gắng ngăn chặn sự ảnh hưởng đó lên con cái mình trong thời gian chúng ở bên ông bà.
Cuộc trò chuyện này bắt đầu trên TikTok, khi Gaby Day, người tự mô tả mình là một bà mẹ thuộc thế hệ Millennial, đăng một video bày tỏ sự lo lắng về “ngôn ngữ yêu thương” của mẹ cô dành cho cháu.
Mặc dù cô hiểu những lời nói chứa đầy sự lo lắng của mẹ là dấu hiệu của sự quan tâm, nhưng khi còn nhỏ, cô đã thấy rất mệt mỏi mỗi lần mẹ lên tiếng. “Tôi và chị gái đã lớn lên cùng những lời lẽ đó của mẹ và trở thành người hay lo lắng khi trưởng thành", cô chia sẻ.
Giờ đây khi mẹ Day đang chăm sóc cho cặp cháu ngoại song sinh 18 tháng, cô cho rằng điều tương tự có thể sẽ xảy ra với hai đứa con của mình.
Cô mô tả sự việc xảy ra khi hai đứa bé bị rơi từ chiếc ghế thấp chưa đầy 10cm xuống tấm đệm lót sàn. Mẹ cô đã thở hổn hển, có những hành động phản ứng quá mức khiến hai đứa trẻ giật mình.
Ngược lại, Day cho biết cô cố gắng giữ bình tĩnh và điều tiết cảm xúc, nhưng thái độ này trong mắt mẹ cô lại là sự thiếu quan tâm. Và dù biết rõ mẹ mình rất yêu các cháu, nhưng cô vẫn tìm mọi cách để những mối lo lắng của bà sẽ không gây ảnh hưởng lên các cháu.
Bài đăng của Day nhận được nhiều chia sẻ. Trong đó có người cho biết họ đang cố gắng nuôi dạy đứa con mình một cách độc lập, đồng thời trấn an người mẹ của mình khi cho rằng họ đang gạt bà ra bên lề cuộc sống của đứa cháu.
Một người khác cũng đồng cảm cho biết mẹ cô đã từng “la hét rất nhiều” sau khi con gái họ rơi khỏi ghế dài, đến nỗi cô và chồng đã phải chạy bổ xuống cầu thang vì tưởng rằng con gái mình bị "vỡ hộp sọ". Họ cho biết nỗi lo sợ mà họ trải qua ngày hôm đó có thể khiến họ “giảm một nửa tuổi thọ”.
Đây không phải là lần đầu tiên những người thuộc thế hệ baby boomer bị chỉ trích vì sự phản ứng thái quá mỗi khi lo lắng. Vào tháng 9, một phụ nữ đã đặt ra thuật ngữ “hoảng loạn bùng nổ” để mô tả những người phụ nữ lớn tuổi đang thể hiện sự nóng nảy không cần thiết vì một vấn đề hết sức bình thường.
Phong cách nuôi dạy con cái có thể gây ra sự căng thẳng giữa các thế hệ. Tiến sỹ Harvey Karp, một bác sỹ nhi khoa, cho biết các bậc cha mẹ thuộc thế hệ sau có xu huớng chấp nhận cảm xúc của trẻ em hơn so với những người thuộc thế hệ baby boomer.
Cùng với việc bày tỏ sự thất vọng của mình, nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ Millennial và Thế hệ Z đang sử dụng mạng xã hội để thảo luận về các kỹ thuật nuôi dạy con cái của họ, khiến cho mạng xã hội cũng bùng nồ nhiểu phương pháp dạy con khác nhau, gây khó khăn và lúng túng cho những người mới và đang dự định sẽ sinh con.
Theo Vietnam+