Đang làm quản lý tại một doanh nghiệp với mức lương chục triệu đồng mỗi tháng, anh Mùa quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp trồng nấm, nuôi vịt.
Trang trại trồng nấm và nuôi vịt của anh Mùa năm2018 cho thu lãi 250 triệu đồng
Đang làm quản lý tại một doanh nghiệp với mức lương chục triệu đồng mỗi tháng, anh Lê Văn Mùa (sinh năm 1990) ở thôn La B, xã Kim Giang (Cẩm Giàng) lại quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp trồng nấm, nuôi vịt.
Vốn chịu khó, ham học, năm 2011 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Mùa tiếp tục thi đỗ vào Khoa sinh học, Đại học Thái Nguyên. Học đến năm thứ ba, anh Mùa cùng một số bạn trong lớp tổ chức đi tham quan một số mô hình trồng nấm tại quê nhà và tỉnh Thái Nguyên. Năm2014, tận dụng gian nhà cũ ở nơi trọ, anh đã hỏi nhờ và cùng các bạn đi xin rơm về trồng 200 bịch nấm sò. Do chưa có kinh nghiệm và điều kiện đầy đủ nên tỷ lệ cây nấm đạt thấp, nhưng đó cũng là thành quả đầu tiên để những sinh viên như anh Mùa tiếp tục cố gắng.
Năm 2015, sau khi ra trường anh đầu tư dựng một khu nhà lán rộng 20 m2 để trồng nấm sò, đồng thời xin vào làm tại một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vừa trồng nấm, vừa đi làm, tối về anh lại vào internet nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm, theo dõi những chương trình khởi nghiệp. Những ngày nghỉ anh tranh thủ đi tham quan học hỏi một số mô hình trồng nấm trong tỉnh và một số địa phương lân cận...
1 năm sau, khi thôn La B thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, anh Mùa đã bàn với bố mẹ xin dồn đổi toàn bộ hơn một mẫu ruộng của gia đình tập trung về một khu xa dân cư để làm trang trại trồng nấm và chăn nuôi. Anh đầu tư thuê máy san lấp mặt bằng, xây dựng một khu rộng 200 m2 để trồng nấm sò. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, sau hơn một tháng những lứa nấm đầu tiên cũng cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí anh thu lãi trên 20triệu đồng. Ngoài trồng nấm, đầu năm 2017 anh đầu tư xây khu chuồng trại nuôi 800 con vịt bơ và vịt bầu lai. Đạt được thành công bước đầu, anh Mùa đã gặp không ít khó khăn. “Thời gian đầu vốn liếng không có phải xoay xở vay mượn anh em họ hàng, khu trang trại lại ở xa, đường giao thông đi lại khó khăn, thị trường đầu ra chưa ổn định trong khi nấm sò sau khi thu hoạch lại không để được lâu. 2017lại là năm khủng hoảng giá cả đối với ngành chăn nuôi nên đàn vịt không có lãi…”, anh Mùa nói.
Những khó khăn, vất vả không làm nhụt ý chí khởi nghiệp của chàng thanh niên trẻ, đến cuối năm 2017, anh Mùa quyết định xin nghỉ việc ở công ty để tập trung phát triển trang trại. Dần dần mở rộng, đến nay trang trại của anh có 1 khu gồm 3 nhà trồng nấm với tổng diện tích 600 m2 và một khu nuôi thả gần 5.000 con vịt bơ, vịt bầu lai. Năm 2018, trang trại cho thu lãi gần 250 triệu đồng. Ngoài diện tích của gia đình, anh còn thuê thêm gần 3 mẫu ruộng của các hộ xung quanh để thả vịt và cấy lúa xen canh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hiện anh Mùa còn tham gia lực lượng dân quân xã, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp thanh niên xã và làm tiếp thị cho một công ty thức ăn chăn nuôi. Theo anh Mùa, việc làm tiếp thị thức ăn chăn nuôi giúp anh nắm bắt được thị trường, biết được thời điểm thích hợp để tăng, giảm đàn vịt, tránh vào đàn ồ ạt theo phong trào để bảo đảm đầu ra ổn định.
Hiện nay, anh Mùa đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, đường điện để đưa máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển trang trại theo hướng hiện đại.
TUẤN SỸ