Bỏ làm trưởng phòng về nuôi lợn

17/10/2014 09:58

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Đức Hùng (36 tuổi) ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện).


Đến nay, gia đình anh Hùng đã nuôi được 2 lứa lợn, thu lãi hơn 500 triệu đồng

Năm 1994 khi tròn 16 tuổi, anh bắt đầu con đường mưu sinh của mình bằng việc vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Những năm đó, anh làm thuê cho một trang trại chăn nuôi lớn ở tỉnh Đồng Nai. Công việc tuy vất vả, nhưng cũng từ đấy anh đã học được nghề chăn nuôi và nuôi dưỡng ước mơ có một ngày trở thành chủ trang trại. Để biến ước mơ thành hiện thực, sau khi thành thục với công việc chăn nuôi, anh đi làm vài nơi khác nữa để kiếm thêm vốn, đi học lái xe ô-tô, máy xúc, rồi xin vào làm việc tại Công ty An Thông. Anh đã được đề bạt làm Trưởng Phòng Phương tiện của công ty với mức lương từ 10-12 triệu đồng/tháng. Đây quả là một mơ ước của nhiều người, song vẫn không thể đánh đổi được ước mơ làm chủ trang trại của anh.

Sẵn có chút vốn sau nhiều năm tích cóp, cùng với sự giúp đỡ của hai bên gia đình, năm 2012, anh bàn với vợ rồi quyết định về quê làm trang trại. Tại khu đồng lò gạch cũ (một khu đồng khó làm ăn) của thôn Đông, xã Thanh Tùng, anh đã mua lại ao, vườn của một hộ khác và đổi thêm ruộng cho một số hộ xung quanh để xây dựng trang trại. Sau hơn một năm, khu trang trại khép kín rộng 1,8 ha, có sức nuôi 1.200 con lợn mỗi lứa đã được hình thành với tổng mức đầu tư khoảng 3,7 tỷ đồng. Mặc dù được thiết kế để nuôi lợn là chính, nhưng anh vẫn dành diện tích đào ao thả cá và trồng cây ăn quả, tạo không gian thoáng mát cho khu trang trại. Để chăn nuôi đạt hiệu quả, ít bị rủi ro và mang tính chuyên nghiệp, ngoài việc thuê lao động có trình độ chuyên ngành về chăn nuôi thú y với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng, anh còn ký kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (thuộc Tập đoàn CP của Thái Lan có trụ sở tại Hà Nội). Phía công ty có trách nhiệm cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm, phần kinh phí này sẽ được khấu trừ khi lợn xuất chuồng. Vì thế, anh đã bớt được gánh nặng về giống, vốn, hơn nữa chất lượng giống lại bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn của Thái Lan nên lợn rất mau lớn, thể trọng đồng đều và ít bị bệnh. Cuối năm 2013, anh bắt đầu nhập giống lợn lứa đầu tiên với số lượng 1.200 con. Đến nay, anh đã nuôi được 2 lứa với trên 2.000 con, thu lãi trên 500 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi lợn, anh đang xây dựng tiếp một trang trại rộng 1,5 ha tại khu đồng La của thôn Đoàn Lâm để nuôi bò và lợn mán với mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.

Câu chuyện làm kinh tế trang trại đến nay tuy không mới, nhưng sự liên kết với các công ty lớn trong chăn nuôi của anh Hùng là một hướng đi cần được nhân rộng. Nó không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi mà còn tạo ra bước đột phá cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, chuyên môn hóa cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong giai đoạn hiện nay.

HỮU TRÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ làm trưởng phòng về nuôi lợn