Bỏ hộ khẩu không phải là bỏ quản lý dân cư!

06/11/2017 11:15

Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định như vậy bên hành lang phòng họp Diên Hồng của Quốc hội sáng 6.11.

Bỏ hộ khẩu không phải là bỏ quản lý dân cư! - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm trình bày trước Quốc hội - ảnh: Quochoi.vn

Ông cho biết trong một vài ngày tới, Bộ Công an sẽ tổ chức họp báo để giải thích những vấn đề dư luận đặt ra về các vấn đề, nội dung liên quan đến nghị quyết 112 của Chính phủ.

Đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ

Theo giải thích của Bộ trưởng Tô Lâm, cho dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng chắc chắn các biện pháp quản lý dân cư như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ.

"Chắc chắn là phải có quản lý, nhưng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, vì đã là nhà nước thì phải có chức năng quản lý chứ không thể để ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra" - ông Lâm nói.

Bộ trưởng công an nói thêm: "Cơ quan công an sẽ có các biện pháp, cách thức mới nhưng nguyên tắc cơ bản là với giấy tờ, thủ tục sẽ đơn giản hóa tối đa nhưng không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Còn hình thức quản lý mới cụ thể thế nào thì sẽ làm cụ thể, với nhiều hình thức khác nhau".

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký nghị quyết số 112 của Chính phủ, giao Bộ Công an nghiên cứu phương án quản lý cư trú thông qua mã số định danh thay cho việc sử dụng sổ hộ khẩu.

Các loại tội phạm được kiềm chế

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm năm 2017, ông Tô Lâm cho biết với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực cao của các bộ, ngành, địa phương nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, với nòng cốt là lực lượng công an nhân dân, biên phòng, các loại tội phạm đã được kiềm chế, kéo giảm đáng kể.

Theo đó, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, khởi tố điều tra 40.497 vụ, 58.983 bị can, giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08 số bị can so với năm 2016.

Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh côn đồ có hung khí vẫn xảy ra ở một số nơi. 

Đáng chú ý là sự gắn kết đan xem giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế, ma túy, tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ với tính chất manh động xảy ra ở một số địa phương

    Thượng tướng Tô Lâm

Về nguyên nhân, báo cáo cho biết tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp chủ yếu do tình hình kinh tế, đời sống của người dân nhìn chung còn khó khăn; số lao động chưa có việc làm còn nhiều; tác động tiêu cực từ tình hình xã hội, nhất là văn hóa đồi trụy, bạo lực…

Đồng thời, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng chống tội phạm còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên; 

Năng lực, đạo đức nghề, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đạt yêu cầu…

Quốc hội dành cả ngày 6.11 và buổi sáng 7.11 để thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.  

Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, khởi tố điều tra 854 vụ, 1.491 bị can về tội xâm phạm quản lý kinh tế, ít hơn 33,49% số vụ, 26,27% bị can so với năm 2016; 220 vụ, 479 bị can về tội tham nhũng, nhiều hơn 22,8% số vụ và 28,07% số bị can so với năm 2016.

Tội phạm về ma túy, đã khởi tố điều tra 16.923 vụ, 20.791 bị can, nhiều hơn 10,13% số vụ, 8,47% số bị can so với năm 2016, thu giữ số lượng lớn ma túy, tội phạm vận chuyển ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ hộ khẩu không phải là bỏ quản lý dân cư!