Y tế - Sức khỏe

"Bỏ giấy chuyển viện, hệ thống y tế sẽ bị triệt tiêu"

Theo VnExpress 22/11/2023 - 13:05

Lãnh đạo các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ khiến hệ thống y tế bị vỡ trận, tê liệt, gây thiệt hại cho người bệnh.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 20/11, GS. Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương) kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế, để "người dân chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc".

Quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh muốn chuyển lên trung ương thì phải xin giấy chuyển viện. Điều này khiến nhiều người cho rằng rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi, đề nghị có thể đi khám bất cứ cơ sở nào mong muốn.

Trả lời phóng viên TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (bệnh viện tuyến cuối, hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế) cho rằng nếu bỏ phân tuyến, cơ sở y tế tuyến trên sẽ được hưởng lợi vì người bệnh đổ về nhiều. Tuy nhiên, điều này có thể phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích. Chẳng hạn, một bệnh nhân với bệnh thông thường, ở tuyến dưới có thể điều trị rất tốt nhưng tâm lý phải đi thẳng lên trung ương, sẽ gây tốn kém mọi mặt cho người bệnh.

"Ai cũng chuyển hết lên tuyến trung ương, tương lai của y tế cơ sở sẽ đi về đâu", bác sĩ Thức nói, thêm rằng y tế cơ sở không có người bệnh, chuyên môn y bác sĩ sẽ "ngày càng thui chột", dần dần bị triệt tiêu. Trong khi tuyến trên quá tải, nguy cơ vỡ trận, không thể phục vụ bệnh nhân hiệu quả.

"Không thể nào trong một ngày mà một bác sĩ tuyến trên có thể khám cả nghìn người bệnh, phẫu thuật cả vài chục, vài trăm ca được", ông Thức chia sẻ.

Bỏ phân tuyến còn gây hệ lụy đến nguồn quỹ bảo hiểm. Ví dụ, bệnh nhân bị viêm dạ dày, có thể điều trị rất tốt ở bệnh viện hạng một, song lại đến tuyến trung ương. Chi phí điều trị ở bệnh viện hạng đặc biệt chắc chắn sẽ cao hơn cơ sở hạng một, kéo theo nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm cũng như lãng phí xã hội.

TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Lê Phương

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Cùng quan điểm, lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cũng cho rằng giấy chuyển tuyến là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật. Nếu bỏ giấy, để bệnh nhân tự đăng ký ở bất cứ cơ sở nào sẽ phá vỡ hệ thống y tế.

Cụ thể, người dân thường có tâm lý lên bệnh viện tuyến trung ương vì niềm tin vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ thầy thuốc. "Điều này khiến tình trạng quá tải ở những nơi này vốn đau đầu lại càng đau đầu hơn", giám đốc này nói.

Tương tự, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định giấy chuyển viện nhằm bảo đảm hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc (người có thẻ bảo hiểm y tế điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến).

"Vấn đề còn lại là người dân có được chuyển thẳng từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, lên trung ương hay không? Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục", bà Lan nói, cho biết giấy chuyển viện rất cần thiết vì dù là giấy hay điện tử cũng phải ghi rõ lịch sử khám chữa, tình trạng bệnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng trước đây, người dân gặp nhiều phiền toái khi xin giấy chuyển tuyến, song hiện nay tình trạng đã cải thiện, các quy định mới giúp bệnh nhân được "gỡ khó" rất nhiều.

Chẳng hạn, trong quy định cũ, bệnh viện A khi làm giấy chuyển tuyến lên trên, bác sĩ tuyến trên chỉ định điều trị gì cho bệnh nhân thì số tiền này cũng sẽ bị tính vào quỹ bảo hiểm của bệnh viện A, theo kiểu "tiền của mình đưa cho người khác tiêu xài". Do đó, các bệnh viện siết rất chặt việc chuyển tuyến, nhằm bảo đảm an toàn cho quỹ của bệnh viện mình, tránh nguy cơ vỡ quỹ. Hiện, chuyện quỹ bảo hiểm cho từng bệnh viện đã bị bỏ, tất cả đưa về Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam quản lý. Nhờ vậy, các bệnh viện thoáng hơn trong vấn đề chuyển viện.

Một vấn đề khác được cải thiện là trước đây, khi chuyển viện lên tuyến trên, tháng nào bệnh nhân cũng phải xin giấy chuyển viện. Hiện, bệnh nhân xin giấy chuyển viện ở một thời điểm nào trong năm cũng được dùng luôn cho đến hết đợt điều trị, khi nào hết năm mới phải xin lại giấy khác. "Mọi thông tin bây giờ đã được tích hợp trên cổng bảo hiểm, bác sĩ kiểm tra trên mạng sẽ có tất cả, người bệnh chỉ cần trình giấy lần đầu", bác sĩ Thức chia sẻ.

Ngoài ra, hồi tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị định 75, trong đó bỏ phương thức tổng mức thanh toán (được xác định dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước liền kề), thực hiện thanh toán theo chi phí thực tế, tức bệnh viện không còn gặp khó khi "tổng chi phí khám chữa của năm sau luôn cao hơn năm trước". Điều này giúp mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh khi khám chữa ở tuyến trước.

"Sắp tới, giấy chuyển tuyến sẽ được làm theo hình thức điện tử, nhưng đây chỉ là vấn đề về mặt hình thức, điều quan trọng là các quy định chuyển tuyến đã có nhiều thay đổi, giúp giảm phiền hà đáng kể cho người bệnh", ông Thức cho biết.

Đông đúc người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến cuối của TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Đông đúc người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh

Các lãnh đạo bệnh viện cho rằng, điều cần cải thiện hiện nay là bác sĩ tuyến dưới phải không ngừng nâng cao chuyên môn, chú ý thái độ giao tiếp khi người bệnh xin giấy, góp phần giải quyết chuyển viện đúng trường hợp và đúng thời điểm. Trên thực tế, vẫn còn một số ít bác sĩ tuyến dưới tiên lượng chưa hết bệnh, nghĩa là chưa nhận định được bệnh đó nguy hiểm, không trị được, dẫn đến chuyển viện chậm về chuyên môn, ảnh hưởng người bệnh.

Mạng lưới y tế của Việt Nam hiện bao phủ rộng khắp, len lỏi đến từng thôn bản, xã phường. Vấn đề là cần phát huy hết chức năng thật tốt của từng nơi. Y tế tuyến dưới phải bảo đảm chuyên môn, tạo niềm tin cho người dân. Khi người dân có niềm tin, họ sẽ không đổ dồn lên tuyến trên, song "điều này cần cả một quá trình lâu dài, một mình ngành y tế không thể nào giải quyết được", các lãnh đạo viện trung ương nói.

Một giải pháp khác được bác sĩ Thức đề xuất là luân chuyển thầy thuốc tuyến trên về tuyến dưới, ví dụ tuyến trung ương luân chuyển về tỉnh, tuyến tỉnh về huyện, huyện về xã, và tuyến dưới luân chuyển ngược lên trên để học. Điều này tạo thành một vòng xoay, giúp nơi nào cũng có nhân lực y tế đủ trình độ, tạo niềm tin cho người dân đến y tế cơ sở. Bác sĩ tuyến trên vừa chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, vừa học được những kiến thức mà chỉ ở cơ sở mới có được.

"Luân chuyển 6 tháng không quá dài, không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của bác sĩ, rất tốt cho xã hội, cho người dân, tại sao mình không làm", bác sĩ Thức nói.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Bỏ giấy chuyển viện, hệ thống y tế sẽ bị triệt tiêu"
    ss