Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp đối với các nhóm nghiên cứu thuộc các trường đại học đã có những đóng góp tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tấn Tiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều kiển số và kỹ thuật hệ thống Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh giới thiệu buồng khử khuẩn
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp đối với các nhóm nghiên cứu thuộc các trường đại học trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng chia sẻ, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, các nhóm nghiên cứu của nhiều đại học, học viện, trường đại học trong cả nước đã vào cuộc và liên tiếp có những nghiên cứu quan trọng được công bố nhằm hỗ trợ hiệu quả trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Có thể kể đến như kit xét nghiệm SARS-CoV-2 do Học viện Quân Y nghiên cứu đã được cấp phép và đưa vào sản xuất; kit test thử nhanh chẩn đoán COVID-19 của Đại học Bách khoa Hà Nội; buồng khử khuẩn toàn thân di động của Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh…
Mới đây, khi nhận được thông tin giáo sư Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Đà Nẵng nghiên cứu, chế tạo thành công máy đo thân nhiệt từ xa, tránh lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2 và sản phẩm đang được chuyển giao rộng rãi, Bộ trưởng cũng đã gửi lời chúc mừng, bày tỏ sự trân trọng những nỗ lực của giáo sư Bùi Văn Ga và các cộng sự.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các trường đại học trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu tương tự. Những sản phẩm do các trường sáng chế không chỉ là thành quả thể hiện năng lực nghiên cứu vượt trội, còn khẳng định vai trò, trách nhiệm xã hội của giáo dục đại học đối với những vấn đề chung của đất nước và thế giới.
Thời gian qua, một số sản phẩm do các trường nghiên cứu đã được đánh giá cao, góp phần trong phòng, chống dịch bệnh. Tiêu biểu như "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới” do Học viện Quân y chủ trì phối hợp với Công ty CP Công nghệ Việt Á thực hiện.
Chỉ sau một tháng, hai đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kit. Bộ Y tế sau đó có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chuẩn đoán invitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty CP Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch COVID-19. Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia phát triển được các bộ kit xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kit xét nghiệm này.
Bộ kit đẳng nhiệt thử nhanh SARS-CoV-2 của nhóm nghiên cứu Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành đánh giá và cung cấp các bằng chứng khoa học để nhóm có thể hoàn thiện kết quả nghiên cứu. Ưu điểm của bộ kit này là không cần đến các máy Real-time PCR, thay vào đó, sử dụng các block nhiệt hết sức đơn giản với giá thành chưa đến 2 triệu đồng. Điều này có thể hỗ trợ rất lớn về chi phí, nguồn lực, nhân lực cho công tác xét nghiệm.
Các nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng đã chế tạo buồng khử khuẩn di động, có thể loại bỏ trên 90% các loại vi khuẩn, virus bám trên bề mặt quần áo, cơ thể và các vật dụng trên người chỉ sau 30 giây.
Mới đây, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo thành công máy rửa tay diệt khuẩn tự động tiện ích trong việc rửa tay khử khuẩn tại những nơi công cộng khi không mất nhiều thời gian và tránh việc tiếp xúc với bề mặt máy có thể gây lây nhiễm.
Theo TTXVN