Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên tiêm vaccine và miễn, giảm học phí cho học sinh trong năm học 2021-2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Sáng 28.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương.
Sớm tiêm vaccine cho học sinh
“Bộ Giáo dục và Đào tạo xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là học sinh trung học phổ thông.”
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 đang diễn ra sáng nay, 28.8, theo hình thức trực tuyến.
Theo ông Sơn, việc này nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thể sớm trở lại trường học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và việc học trực tiếp không thể đảm bảo chất lượng bằng dạy trực tiếp, đặc biệt là ở nhiều nơi còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của cả giáo viên và học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021-2022; xem xét, bố trí kinh phí để ngành giáo dục thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học. Trong đó, trước mắt là tập trung xây dựng hệ thống bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, kho học liệu số dùng chung cho học sinh phổ thông cả nước; tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học.
Các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Đề nghị bổ sung gần 95.000 biên chế giáo viên
Trước thực trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên bảo đảm các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên; không áp dụng quy định giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp, 10% chi trực tiếp từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, tổ chức thực hiện việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương khi phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo Luật Giáo dục 2019; chỉ đạo các địa phương bố trí ngân sách phát triển giáo dục tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu 18% trong tổng chi thường xuyên theo Quyết định 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục trong năm học 2020-2021 chỉ đạt 17,3%.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước vẫn còn tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, cả nước thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên các cấp học.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới bậc tiểu học, bậc THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, để địa phương, các cơ sở giáo dục đại học có căn cứ tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên, Bộ GD-ĐT đã ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, GDPT công lập. Các thông tư quy định chế độ làm việc của giảng viên đại học và giảng viên cao đẳng sư phạm. Ngoài ra, để bảo đảm chế độ cho nhà giáo trong giai đoạn chờ chế độ tiền lương mới, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo .
Hiện nay tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%.
Theo TTXVN - PV