Hàng loạt giải pháp kỹ thuật sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, nhưng yếu tố quyết định để không xảy ra gian lận vẫn là con người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực hết sức để Kỳ thi THPT quốc gia 2019 bảo đảm an toàn, nghiêm túc
Thay đổi cách sắp xếp phòng thi, bốc thăm cách phát đề, bốc thăm chấm thi, mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, truy vết quá trình chấm... Đó là hàng loạt các giải pháp kỹ thuật được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) áp dụng từ khâu tổ chức thi, chấm thi đến xử lý kết quả bài thi trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 nhằm hạn chế tiêu cực thi cử.
Đây là thông tin được ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT chia sẻ với báo chí. Theo ông Trinh, an toàn, nghiêm túc, công bằng, chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận như đã xảy ra trong kỳ thi năm 2018 là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong công tác tổ chức thi 2019.
1. Trường đại học không tham gia thi tại địa phương mình
Kỳ thi năm 2019, các trường đại học, cao đẳng sẽ được điều động đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
2. Thay đổi cách sắp xếp phòng thi
Năm 2019, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 trung học phổ thông (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi).
Trong kỳ thi năm 2018, các thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi riêng điểm thi, phòng thi. Điều này đã làm nhiều lo ngại về độ nghiêm túc của kỳ thi.
3. Camera an ninh giám sát 24/24
Ban tổ chức thi quốc gia quy định rõ ràng cách thức và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác in sao, vận chuyển đề thi đảm bảo tuyệt đối bảo mật, an toàn và chất lượng đề thi.
Cụ thể, khu vực lưu trữ đề thi, bài thi phải có camera an ninh, có lực lượng công an trực 24/24 giờ. Khu vực in sao đề thi phải được thực hiện cách ly ba vòng độc lập.
4. Thay cán bộ trực đêm tại phòng trữ đề, bài thi
Năm nay, việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của đại học, cao đẳng thực hiện, không phải trưởng điểm thi là người của các địa phương như các năm trước đây.
Việc này nhằm hạn chế tình trạng cán bộ thi của các địa phương liên kết với nhau để thực hiện gian lận thi cử như năm 2018.
5. Bốc thăm cán bộ coi thi
Việc phân công cán bộ coi thi sẽ được thực hiện theo hình thức bốc thăm để đảm bảo khách quan. Cán bộ giám sát phòng thi được phân công theo quy định mỗi cán bộ giám sát không quá 7 phòng thi. Ông Mai Văn Trinh cho rằng coi thi là một khâu quan trọng và dễ phát sinh tiêu cực nên cần được đặc biệt chú trọng trong kỳ thi tới.
6. Hai quy luật phát đề thi
Theo quy định, mỗi phòng thi trắc nghiệm có 24 đề thi khác nhau nên các thí sinh trong cùng một phòng sẽ khác nhau về đề thi.
Tuy nhiên, năm 2018, đề thi chỉ được phát theo một quy luật chung, điều này dẫn đến việc hai thí sinh ở cùng một vị trí số thứ tự trong hai phòng thi khác nhau sẽ có đề thi giống nhau. Đây là một kẽ hở cho tiêu cực có thể nảy sinh.
Khắc phục điều này, kỳ thi năm 2019, sẽ có tới hai quy trình phát đề thi khác nhau. Việc thực hiện phát đề theo quy trình nào sẽ được thực hiện bốc thăm ngẫu nhiên.
7. Phủ băng dính lên nhãn niêm phong túi đựng bài thi
Năm 2018, túi đựng bài thi được niêm phong bằng một mẫu giấy riêng, dễ rách, nhưng vẫn bị bóc ra để thực hiện gian lận. Vì thế, năm 2019, việc niêm phong túi đựng bài thi sẽ được “siết” hơn bằng việc dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.
8. Bộ trực tiếp chỉ đạo, trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm
Năm 2019, việc chấm thi trắc nghiệm không được giao cho sở giáo dục như năm 2018 mà sẽ do các trường đại học, cao đẳng chủ trì. Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm thi. Phòng chấm thi được giám sát bằng camera 24/24 giờ.
9. Quét bài thi theo từng phòng
Thay vì quét ảnh bài thi theo lô không hạn chế số bài như trước đây, năm nay mỗi lô chỉ quét một phòng thi, tương đương với 24 bài, sau đó niêm phong và mở lô mới.
10. Mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi
Không chỉ đổi đơn vị chủ trì, việc chấm trắc nghiệm năm 2019 còn được siết chặt hơn bằng việc mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm, từ dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và cả kết quả chấm. Chỉ có những người được cấp phép mới có thể giải mã để đọc được các thông tin.
11. Đánh phách bài thi điện tử
Năm 2019, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để khi xử lý bài thi không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh, cán bộ chấm thi không thể biết bài làm này của thí sinh nào.
12. Khoanh vùng khu vực sửa lỗi bài thi
Việc sửa lỗi không thể thực hiện tùy tiện trên cả bài thi như các năm trước mà phần mềm phát hiện lỗi ở chỗ nào thì chỉ khoanh vùng khu vực đó. Cán bộ chấm thi chỉ có thể sửa trên phần được khoanh vùng.
13. Truy vết thao tác chấm thi
Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi đều được lưu vết và chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.
14. Siết chấm thi tự luận
Đối với việc chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn năm 2019 vẫn do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, theo ông Mai Văn Trinh, không thể giao các trường đại học chấm Ngữ văn do hầu hết các trường không đủ nhân lực để thực hiện việc chấm thi môn này. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả thi đáng tin cậy, quy trình chấm sẽ chặt chẽ hơn.
Cụ thể, việc làm phách được thực hiện cách ly, bảo mật số phách. Việc chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm, chấm hai vòng độc lập. Cùng với việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên 5% số bài thi, tất cả các bài điểm cao sẽ được chọn ra để chấm kiểm tra.
Sau khi chấm, bài thi được yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi. Việc nhập điểm cũng được thực hiện theo hai lần độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm Quản lý thi.
Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi.
15. Nâng cấp phần mềm quản lý thi
Theo ông Mai Văn Trinh, năm 2019, Bộ GDĐT sẽ nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm Quản lý thi, phần mềm Chấm thi trắc nghiệm theo hướng liên thông, đảm bảo chính xác, an toàn, an ninh và bảo mật dữ liệu; đồng thời hỗ trợ việc ngăn ngừa, phát hiện các gian lận, sai sót trong quá trình vận hành các phần mềm.
Đặc biệt chú trọng yếu tố con người
Dù điều chỉnh hàng loạt các yếu tố tổ chức, kỹ thuật nhằm chống gian lận thi cử, nhưng ông Mai Văn Trinh cho rằng, điều quyết định nhất trong việc đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế vẫn là yếu tố con người.
“Nếu đặt câu hỏi: kỹ thuật bảo đảm rồi, công nghệ bảo đảm rồi, có chắn chắn kỳ thi không có gian lận hay không, tôi trả lời là không, bởi vì cuối cùng vẫn là con người. Vì thế, năm nay, vấn đề con người được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo thi quốc gia đặt yêu cầu rất cao, yêu cầu hàng đầu,” ông Trinh nói.
Theo đó, việc chọn con người được thực hiện rất nghiêm túc. Tiếp đó là công tác tập huấn rất kỹ càng, việc tập huấn có sự tham gia của cả lực lượng công an PA03 ở cả 63 tỉnh thành, phân rõ người, rõ việc, để có sự phối hợp chặt chẽ.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường việc thanh tra.
“Từ các giải pháp đó, chúng ta hy vọng sẽ có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Bên cạnh đó, tôi vẫn muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ là trách nhiệm liên quan trực tiếp và cao nhất tại mỗi hội đồng thi là cấp ủy, chính quyền của địa phương đó, mà trực tiếp là ban chỉ đạo thi của các địa phương,” ông Trinh nói.
Theo Vietnam+