Bộ đội xuất ngũ làm gì?

15/08/2015 07:21

Nhiều năm trở lại đây, hầu hết các thanh niên xuất ngũ đều được tư vấn học nghề và tạo việc làm ổn định.



Hằng năm, các quân nhân xuất ngũ trong tỉnh đều được tư vấn, học nghề theo chính sách ưu đãi của Chính phủ


Nhiều thanh niên ưu tú được kết nạp Đảng trong thời gian huấn luyện, khi trở về được tạo điều kiện tiếp tục học tập, tham gia công tác tại địa phương.

Ưu đãi học nghề, tạo việc làm

Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) TP Hải Dương vừa tổ chức giao lưu, gặp mặt và tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho hơn 50 quân nhân xuất ngũ trở về địa phương năm 2015. Trường Cao đẳng Nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) là đơn vị tư vấn, giới thiệu ngành nghề đào tạo và những ưu đãi trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp. Thanh niên Đào Văn Hiệp ở khu 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho biết: “Sau 18 tháng rèn luyện trong quân đội, cuối tháng 7-2015 tôi được xuất ngũ. Tôi đăng ký tham gia học nghề hàn công nghệ cao vì được miễn học phí, sau khi đào tạo nghề xong, sẽ được giới thiệu việc làm ngay”.

Cũng như anh Hiệp, từ đầu năm đến nay gần 700 bộ đội xuất ngũ ở 6 huyện, thành phố gồm: Cẩm Giàng, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách và TP Hải Dương đã được tư vấn học nghề.  Năm 2014, toàn tỉnh cũng có 1.928 bộ đội xuất ngũ, trong đó có 1.850 người được tư vấn học nghề và đăng ký học tại các cơ sở dạy nghề.

Thượng tá Nguyễn Huy Biểu, Trưởng ban Quân lực (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: Hằng năm, các quân nhân xuất ngũ trong tỉnh đều được tư vấn, học nghề theo chính sách ưu đãi của Chính phủ. Ngay trong thời gian huấn luyện, các chiến sĩ đã được các trường, trung tâm dạy nghề của Bộ Quốc phòng trực tiếp vào tư vấn học nghề. Sau khi ra quân, mỗi chiến sĩ được cấp một thẻ học nghề. Thẻ học nghề có giá trị trong phạm vi cả nước với thời hạn 1 năm. Đây là chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm hỗ trợ, khuyến khích bộ đội xuất ngũ, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và khuyến khích thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ. Tại tỉnh ta, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Trường Cao đẳng Dạy nghề số 20 và số 3 (Bộ Quốc phòng) tổ chức tư vấn, giới thiệu học nghề 2 lần cho bộ đội xuất ngũ.

Ông Trần Quang Dũng, Giám đốc Trường Cao đẳng Nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) tại Hải Dương cho biết: Bộ đội xuất ngũ được ưu tiên đào tạo nghề hoàn toàn miễn phí  cùng với nhiều ưu đãi khác. Mỗi năm, có gần 1.000 quân nhân xuất ngũ người Hải Dương tham gia học nghề tại trường. Sau khi đào tạo xong, nhà trường ưu tiên giới thiệu việc làm ngay tại một số cơ sở ở các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hà Nội. Qua theo dõi, sau khi đi làm, thu nhập đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, một số ngành nghề thu nhập cao hơn đạt 7-10 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ đào tạo việc làm trong nước, Trường Cao đẳng Nghề số 20 còn đào tạo cho các quân nhân xuất ngũ có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Đài Loan. Hằng năm có hơn 100 quân nhân xuất ngũ của Hải Dương được đi xuất khẩu lao động tại 2 nước này với thu nhập từ 20-30 triệu đồng/người/tháng. Những thanh niên này được nhà trường hỗ trợ học nghề, dạy tiếng miễn phí và tạo điều kiện làm hồ sơ vay vốn. Trường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên qua thực tiễn đào tạo cho thấy, khoảng 90% số học viên sau khi ra trường có việc làm ổn định, lâu dài và gắn bó với nghề. "Các quân nhân đã qua rèn luyện trong quân đội nên ý thức kỷ luật thường cao hơn. Trong quá trình lao động, các bạn tuân thủ giờ giấc tốt hơn, giúp quy trình sản xuất đúng tiến độ, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Đây là điều mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước rất chú ý và chào đón các bạn", ông Dũng nhận xét.



Ban Chỉ huy quân sự TP Hải Dương tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân
hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương năm 2015


Nguồn cán bộ trẻ của địa phương

Trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, nhiều chiến sĩ tích cực, phấn đấu rèn luyện tốt nên được kết nạp Đảng tại đơn vị. Sau khi xuất ngũ, họ thường được địa phương quan tâm, tạo điều kiện phát triển, trở thành những cán bộ xã, thôn, khu dân cư. Trường hợp của cựu quân nhân Bùi Văn Pha ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) là một ví dụ. Anh Pha năm nay 21 tuổi, xuất ngũ năm 2014 khi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 7-2015 vừa qua, anh Pha vinh dự được nhân dân trong khu dân cư tín nhiệm, bầu làm thanh tra viên dù tuổi đời còn rất trẻ. Trò chuyện với chúng tôi, anh Pha xúc động nói: "Tôi nhập ngũ tháng 2-2013. Rèn luyện trong môi trường quân đội gian khổ, khó khăn, tôi càng thêm quyết tâm, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau 3 tháng tân binh, tôi được cử đi học và đào tạo lớp tiểu đội trưởng. Tôi vinh dự là 1 trong 20 học viên được nhận giấy khen học viên giỏi khóa 43 của Trường Quân sự Quân đoàn 2". Những nỗ lực, cố gắng của anh Pha  được ghi nhận khi tháng 12-2014 anh được kết nạp Đảng. Tháng 1-2015, anh được cử đi học lớp sĩ quan dự bị và ra quân với cấp bậc thiếu úy. Hiện nay, anh Pha vừa là thanh tra viên kiêm Phó Bí thư Chi đoàn Thanh niên khu 4, phường Việt Hòa. Nhìn con trai nâng niu tấm giấy khen đơn vị trao tặng, ông Bùi Văn Phê hạnh phúc nói: "Từ khi ra quân, tôi thấy con trai mình rắn rỏi hơn nhiều. Vợ chồng tôi vui lắm! Trong thời gian con đi nghĩa vụ quân sự, cán bộ quân sự các cấp đã đến gia đình thăm hỏi, động viên tinh thần. Vợ chồng tôi lại được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cháu ra quân thì có chế độ...".

Nhập ngũ tháng 2-2004, anh Hoàng Văn Sản (sinh năm 1985 ở thôn Khánh Hội, xã Nam Đồng, TP Hải Dương) cũng được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Tháng 6-2006, anh Sản ra quân về học nghề, mở xưởng sửa chữa điện dân dụng tại nhà. Là đảng viên trẻ, anh còn có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của địa phương. Hiện nay, anh Sản được cử đi học lớp bồi dưỡng Chỉ huy trưởng tại Trường Trung cấp Quân sự.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về những trường hợp như của anh Sản hay của anh Pha. Tuy nhiên, với cấp ủy đảng các xã, phường, thị trấn, bộ đội xuất ngũ có quá trình rèn luyện, phấn đấu tốt chính là nguồn cán bộ kế cận của địa phương.

 NHẬT CƯỜNG

(0) Bình luận
Bộ đội xuất ngũ làm gì?