Trong nhiệm kỳ lần này, Slovenia dự kiến sẽ tập trung các nỗ lực toàn khối vào việc tăng cường pháp quyền, ưu tiên phục hồi kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển công nghệ xanh.
Slovenia sẽ là quốc gia tiếp theo đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên EU
Ngày 1.7, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa tuyên bố nước này kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời khẳng định "Giờ là lúc hành động, vì sự phục hồi công bằng, xanh và kỹ thuật số".
Trong một thông điệp trên mạng Twitter, Thủ tướng Costa cho biết: "Hôm nay, chúng tôi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch của Bồ Đào Nha, hoàn thành 3 ưu tiên: phục hồi kinh tế và xã hội, phát triển trụ cột châu Âu về quyền xã hội và quyền tự chủ chiến lược của một EU mở cửa với thế giới".
Theo ông Costa, trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Bồ Đào Nha, EU đã ưu tiên cho các công tác "phối hợp ứng phó với đại dịch COVID-19 và chiến dịch tiêm chủng".
Ngoài ra, Tổng thống Bồ Đào Nha cũng đã nỗ lực đốc thúc để đảm bảo "sự phục hồi công bằng với cam kết xã hội giữa các đối tác xã hội, xã hội dân sự và các tổ chức châu Âu".
Thủ tướng Costa đồng thời nhấn mạnh những tiến bộ mà EU đã đạt được 6 tháng qua hướng tới "phục hồi xanh và chuyển đổi kỹ thuật số, với việc phê chuẩn Luật khí hậu đầu tiên, Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 và hệ thống cáp tàu ngầm hiện đại EllaLink kết nối châu Mỹ Latinh và châu Âu".
Slovenia sẽ là quốc gia tiếp theo đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Slovenia gia nhập EU năm 2004 và từng đảm nhiệm vai trò chủ tịch liên minh hồi đầu năm 2008.
Trong nhiệm kỳ 6 tháng lần này, Slovenia dự kiến sẽ tập trung các nỗ lực của toàn khối vào việc tăng cường pháp quyền như một trong những giá trị chung của châu Âu, đồng thời ưu tiên phục hồi kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển công nghệ xanh.
Theo TTXVN