Ngắm nhìn bố chồng rạng rỡ trong bộ comple lịch lãm, chào mời mọi người trong ngày vui mà chị Lâm thấy hạnh phúc vô cùng.
Hôm nay là ngày bố chồng chị cưới vợ. Mọi người đến chung vui, ai ai cũng chúc phúc cho ông và khen vợ chồng chị có hiếu, biết quan tâm đến tâm tư, tình cảm của bố khiến chị thêm phấn khởi. Chị cứ nhớ mãi những ngày tháng trước đó và thấy thật may khi anh Minh chồng chị đã sớm nhận ra mọi việc để gia đình chị có được ngày vui này.
Chuyện là mẹ chồng chị mất vì mắc bệnh hiểm nghèo đã gần hai chục năm nay. Lúc ấy, anh Minh mới vào đại học. Bố chồng chị đã một mình làm lụng, chăm lo cho anh. Cảnh gà trống nuôi con biết bao cực nhọc nhưng ông không than vãn một lời. Rồi anh Minh đi làm, lấy vợ. Anh nghĩ rằng, bố anh bao năm nay ở vậy lo cho anh là đương nhiên và ông sẽ cứ ở vậy suốt đời. Ấy vậy mà đầu năm ngoái, vừa đi công tác dài ngày về đến đầu ngõ, anh đã nghe mọi người bàn tán chuyện bố anh qua lại với bà Thoa bán rau ở chợ. Bà Lan hàng xóm còn vồn vã hỏi anh:
- Đợt này anh Minh về cưới vợ cho ông cụ hử? Mừng cho ông cụ và anh chị nhé!
Anh Minh bối rối lắp bắp mấy câu vô nghĩa rồi đi nhanh vào nhà. Thấy chị Lâm đang nấu ăn ở bếp, anh liền lớn tiếng chất vấn về lời đồn đại của xóm làng. Chị Lâm tắt bếp, quay ra cất đồ, rót nước cho chồng rồi kéo anh ngồi xuống bên mình. Chị nhẹ nhàng hỏi chồng:
- Bố lấy vợ có gì không đúng sao anh?
Anh Minh bật dậy như lò xo, anh nói như quát rằng không chỉ không đúng mà là quá sai trái vì bố đã già rồi. Bao năm nay ở vậy vẫn vui khỏe, tại sao giờ lại đốc chứng ra không sợ thiên hạ họ cười vào mặt à? Rồi con cháu ai dám ngẩng mặt nhìn thiên hạ nữa? Sau cùng, anh nhìn chị với ánh mắt nghi ngờ và hỏi rằng có phải chị đã biết chuyện từ lâu nhưng giấu anh, đồng lõa với bố, che giấu chuyện của ông? Chị Lâm kiên nhẫn nghe chồng ca cẩm. Chị không nghĩ anh lại có tư tưởng lạc hậu, ích kỷ như vậy.
Chị bảo anh uống nước cho đỡ mệt rồi vợ chồng nói chuyện. Sau đó, chị mới kể cho anh nghe rằng chị không thể để bố chồng lủi thủi cô đơn mãi vậy được. Ông đã vì con, vì cháu đủ rồi, bây giờ ông có quyền có hạnh phúc riêng của mình. Nghe vợ nói vậy, anh Minh lại quát lên:
- Em nói vậy mà nghe được à? Bố còn trẻ trung gì cho cam. Em biết là bố đã ngoài sáu mươi tuổi rồi chứ?
- Sáu mươi thì sao? Chả lẽ bố không có quyền được mưu cầu hạnh phúc? Em nói thật nhé, lẽ ra anh phải nghĩ cho bố và khuyến khích bố lấy vợ từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ - chị Lâm cao giọng nói.
Không ngờ, bố chồng ở ngoài vườn bước vào từ lúc nào. Ông chậm rãi lên tiếng, giọng buồn rầu:
- Thôi, vợ chồng con đừng vì bố mà bất hòa. Thằng Minh nói cũng đúng. Bố già rồi, vô dụng rồi. Cũng nên biết phận mình.
Nói rồi ông định lui vào phòng thì chị Lâm đã mời ông ngồi lại. Rồi chị phân tích cho chồng thấy rằng các cụ ta xưa đã có câu: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Anh chị bận rộn công việc, các cháu thì lo học hành, đã rất lâu rồi không còn có ai dành thời gian trò chuyện, chia sẻ điều gì với ông nữa. Ông như một cái bóng lặng lẽ vào ra trong nhà. Chị nói rằng, anh chị ích kỷ như vậy là đủ rồi. Cần phải nghĩ cho bố. Rồi chị nói luôn rằng, chính chị đã tìm cách vun vén cho bố và bà Thoa làm bạn tâm giao cùng nhau thời gian qua. Chị khẳng định bà Thoa là người phụ nữ tốt, chăm chỉ và rất thương bố. Từ ngày quen biết bà Thoa, bố chồng chị như trẻ ra hàng chục tuổi, khỏe mạnh, vui vẻ.
Nghe vợ nói vậy, anh Minh có vẻ đã xuôi xuôi, nhưng vẫn cằn nhằn:
- Anh chịu em thật đấy. Ai đời con dâu lại đi làm mối cho bố chồng. Em không sợ thiên hạ họ cười cho à? Rồi lại còn đòi tổ chức cưới vợ cho bố nữa chứ! Sao em có thể?...
Chị Lâm cười, nói:
- Em chỉ cần bố được hạnh phúc. Em tin là mình đã làm đúng anh ạ! - và chị quay sang bố chồng:
- Bố đừng buồn nghĩ gì bố nhé! Bố có quyền được yêu thương và hạnh phúc.
Sau buổi nói chuyện hôm ấy, anh Minh đã có những suy nghĩ tích cực hơn. Anh đã chủ động trò chuyện với bố về mong muốn chính đáng của ông và ủng hộ ông hết lòng để có được hôm nay.
TRẦN THUỲ LINH