Do phụ thuộc nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu có mức giá đang tăng cao nên giá thép trong nước tăng cao, Bộ Công thương cho rằng không có cơ sở kết luận các doanh nghiệp thép bắt tay tăng giá.
Bộ Công thương khẳng định không có cơ sở kết luận doanh nghiệp bắt tay tăng giá thép
Thông tin về tình hình thị trường thép, giá thép và trả lời về việc có hay không sự bắt tay của các công ty thép để tăng giá, Bộ Công thương cho rằng năm 2021 dự kiến kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng 6%, nhu cầu thép tăng 2-3%. Đặc biệt, ngành bất động sản, xây dựng phục hồi, việc triển khai các dự án đầu tư công... nên nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn.
Trong khi đó, nguồn cung thép xây dựng khoảng 14 triệu tấn sẽ đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu; thép cuộn cán nóng (HRC) công suất đạt 5-6 triệu tấn, hiện đã nhập siêu đến 9,3 triệu tấn (nhập khẩu 10 triệu tấn - xuất khẩu 0,7 triệu tấn), nên vẫn phải nhập khẩu.
Bộ Công thương khẳng định nguồn cung thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.
Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. Vì vậy, bộ này cho rằng không có cơ sở nói có sự bắt tay của các công ty thép nhằm tăng giá thép lên cao.
Lý giải việc tăng giá, Bộ Công thương cho hay ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn từ nguồn nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...
Theo đó, năm 2021 nhập khẩu quặng sắt cho các lò cao hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn... nên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thép và thị trường trong nước. Vì vậy, cán cân thương mại với thép sẽ tiếp tục thâm hụt (năm 2020 là 6,4 tỉ USD).
Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới vốn liên tục tăng cao đột biến thời gian qua. Trong khi theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD, kinh tế thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 4,2%, riêng ngành thép phục hồi tăng 4,5% và tiêu thụ tăng 4,2%.
Nhiều giải pháp ổn định thị trường thép Trước tình hình này, Bộ Công thương cho hay đã chủ động dự báo tình hình cung - cầu sản phẩm thép và biến động giá cả các phẩm thép trên thế giới và tại Việt Nam, đề ra giải pháp nhằm đảm bảo cân đối nhu cầu thép, ổn định giá thép. Theo đó, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hằng tháng. Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng để cân đối nhu cầu, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm. Để ổn định cung - cầu thị trường cùng với việc ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tránh biến động giá, Bộ Công thương cho biết sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp quy định, theo dõi kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước. Gắn với đó là việc tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Về dài hạn, với thép cuộn cán nóng dự kiến vẫn mất cân đối cung - cầu trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng. Do vậy, để tăng nguồn cung các loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo, bộ này đề nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất, hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng. |
Theo Tuổi trẻ