Bộ Công thương luôn đồng hành cùng Hải Dương tiêu thụ nông sản

18/05/2021 11:11

Báo điện tử Hải Dương trân trọng đăng toàn văn phát biểu tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 của đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công thương.

>>> Hải Dương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại có quy mô quốc tế đầu tiên

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết luôn sẵn sàng tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng Hải Dương tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản nói chung

Kính thưa đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương!

Kính thưa đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công thương!

Kính thưa đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn!

Kính thưa đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn!

Kính thưa đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương!

Thưa quý vị quan khách, quý vị đại biểu các cơ quan, doanh nghiệp tham dự hội nghị tại Hải Dương, các điểm cầu trong nước và quốc tế!


Bộ Công Thương Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa UBND tỉnh Hải Dương với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế để tổ chức hội nghị ngày hôm nay.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh, tỉnh Hải Dương, với sự tư vấn nội dung và kỹ thuật của Bộ Công Thương, vẫn quyết tâm cao tổ chức hội nghị theo phương thức tiếp cận phù hợp với tình hình thực tế và xu thế thời đại 4.0, giúp tìm đầu ra cho quả vải thiều Thanh Hà, đặc sản nổi tiếng của địa phương và một số nông sản tiêu biểu của tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Thưa quý vị đại biểu!

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều vẫn đạt kết quả đáng khích lệ với sản lượng trên 200.000 tấn quả, chất lượng được nâng cao nhờ áp dụng mô hình canh tác theo tiêu chuẩn hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá ổn định đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Tổng lượng vải xuất khẩu mùa vụ 2020 đạt khoảng 98.000 tấn, chiếm xấp xỉ 50% tổng sản lượng. Thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính” khác như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, U.A.E... Đáng chú ý, trong năm 2020, vải tươi Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế.

Thưa quý vị đại biểu!

Đạt được kết quả trên, Bộ Công thương ghi nhận những nỗ lực của UBND các tỉnh trồng vải trọng điểm trong đó có Hải Dương trong công tác chỉ đạo sản xuất nâng cao chất lượng quả vải, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan trong khâu tiêu thụ, quảng bá thương hiệu quả vải và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Với vai trò là cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường nông sản trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua Bộ Công thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ đã tích cực cùng các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thông qua các hoạt động kết nối tiêu thụ trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, phát triển thị trường. Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Công thương đều tổ chức xét chọn và ghi nhận các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, trong đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trái cây lớn nhằm tạo thuận lợi, nâng cao uy tín, niềm tin của người tiêu dùng, nhà nhập khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Trong số các giải pháp này, Bộ Công thương đặc biệt chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và đi vào hiệu lực như EVFTA, CPTPP… để tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, chủ động đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, bao gồm cả việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của bộ để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô hàng hóa lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Thưa quý vị!

Tôi rất vui mừng được biết năm nay tỉnh Hải Dương tiếp tục chào đón một vụ mùa vải thiều và nhiều nông sản khác với chất lượng cao nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong điều chỉnh thời vụ, nâng cao năng suất, phục vụ tốt hơn cho xuất khẩu dạng tươi đến các thị trường nước ngoài. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Hải Dương.

Hiện nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, nên Bộ Công thương xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của nông sản nói chung và quả vải thiều nói riêng. Bên cạnh thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, chúng ta đã phát triển được một số thị trường xuất khẩu quan trọng khác và đang tiếp tục mở rộng dần ra các thị trường mới trên thế giới. Bộ Công thương đã chỉ đạo các Vụ Thị trường ngoài nước và hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin về quy định, yêu cầu bắt buộc đối với mặt hàng quả vải và nhiều loại nông sản khác khi xuất khẩu sang các nước trên thế giới để kịp thời cung cấp, tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Ngày 11.5 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với các sở, ngành thuộc UNBD tỉnh Lạng Sơn để bàn và thống nhất các giải pháp điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận nông sản (trong đó có quả vải) tại khu vực biên giới nhằm vừa đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá, vừa đáp ứng tối đa công tác phòng chống dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung cũng như quả vải nói riêng.

Các hoạt động đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nói chung và quả vải thiều Thanh Hà nói riêng ngay tại thị trường trong nước đồng thời tìm hướng tối ưu hóa hiệu quả với các thị trường xuất khẩu đã được lãnh đạo Bộ Công thương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt suốt thời gian qua.

Bên cạnh các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hải Dương triển khai Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia để đưa nông sản và quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, tại Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta sẽ vui mừng chứng kiến Lễ khởi động chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ.

Trong khuôn khổ Hội nghị này, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18-20.5.2021.

Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Hải Dương nói riêng, các địa phương khác trên cả nước phát triển sản phẩm, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; chủ động tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu, cung cấp cho tỉnh trồng vải trọng điểm, các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản gắn với chuỗi giá trị và hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh, tạo cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, xây dựng liên kết giữa các nhà máy chế biến, doanh nghiệp thương mại với nông dân làm ra sản phẩm quả vải nói riêng, các nông sản khác nói chung; xây dựng một chuỗi từ sản xuất tới chế biến thực phẩm gắn với phân phối lưu thông.

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất khẩu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại như giao thông vận tải, logistic... nhằm tăng khả năng kết nối, phục vụ lưu thông cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó, chú trọng đến quả vải.

Phát triển hệ thống phân phối, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế và tạo thuận lợi phát triển thương mại điện tử, tăng cường quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ lồng ghép các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Xúc tiến thương mại quốc gia, Thương hiệu quốc gia, Khuyến công quốc gia, Phát triển thương mại điện tử quốc gia, Nông sản thực phẩm an toàn, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp… để kết nối giữa sản xuất với xúc tiến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của Hải Dương nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung.

Thưa quý vị!

Nhìn từ bài học của cây lúa, trước đây gạo Việt Nam luôn có giá thấp hơn gạo Thái Lan, nay cao hơn cả trăm đô la Mỹ một tấn là do chuyển sang trồng giống ngon hơn, canh tác sạch hơn và quản lý diện tích canh tác chặt chẽ hơn. Quả vải và nhiều mặt hàng nông sản của Hải Dương cũng sẽ phát triển bền vững khi địa phương quyết tâm duy trì diện tích hợp lý, canh tác theo hướng sạch và an toàn, hữu cơ, áp dụng hiệu quả hệ thống truy suất nguồn gốc, không ngừng nâng cao chất lượng, lấy thị trường trong nước là chủ đạo, đồng thời đa dạng thị trường xuất khẩu.

Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân,  Hải Dương sẽ tiếp tục có một mùa vải và nhiều mặt hàng nông sản tiêu biểu thắng lợi, hiệu quả. Bộ Công thương luôn sẵn sàng tiếp tục đồng hành, phối hợp cùng tỉnh Hải Dương trong việc tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản nói chung.

Kính chúc các quý vị mạnh khỏe, phòng chống Covid-19 an toàn, hiệu quả. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

-------------------
Tiêu đề do báo điện tử Hải Dương đặt

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Công thương luôn đồng hành cùng Hải Dương tiêu thụ nông sản