Bộ Công Thương đề nghị làm tiếp hơn 726 MW điện mặt trời

20/12/2022 13:15

Sau rà soát, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho làm tiếp 726 MW của 11 dự án, phần dự án điện mặt trời trước năm 2030, để tránh lãng phí xã hội.

Bộ Công Thương vừa trình cấp có thẩm quyền dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch điện VIII).

Ở lần trình thứ 9 dự thảo quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 với 11 dự án, phần dự án điện mặt trời, với tổng công suất hơn 726 MW (giảm 70% so với đề nghị đưa ra hồi tháng 10).

Cơ quan này giải thích việc "gút" lại các dự án điện mặt trời được phép triển khai, vận hành thương mại trước năm 2030 được đưa ra sau khi rà soát kỹ, làm việc với địa phương, chủ đầu tư và Thanh tra Chính phủ.

Trong đó, 6 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 452,6 MW là đã hoàn thành, đang chờ giá bán điện mới, gồm Phù Mỹ 1 (64,75 MW), Phù Mỹ 3 (23,75 MW); Thiên Tân 1.2 (80 MW); Thiên Tân 1.3 (40 MW) và Thiên Tân 1.4 (80 MW) và hơn 172 MW của dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Ngoài ra, 5 dự án, phần dự án với tổng công suất 273,4 MW đã có nhà đầu tư, đang thi công xây dựng; có quyết định thu hồi đất, giao đất, hợp đồng thu đất, mua bán thiết bị, hợp đồng mua bán điện... Các dự án này gồm Ngọc Lặc (45 MW), Krông Pa2 (39,2 MW), Phước Thái 2 (100 MW), Phước Thái 3 (50 MW), Đức Huệ 2 (39,2 MW).

Công nhân vệ sinh các tấm pin tại một dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuy nhiên, điều kiện để số dự án trên tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành thương mại là các dự án phải tuân thủ quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, giá điện. Khi kiểm tra nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Các dự án này cũng chỉ được phép triển khai, đưa vào vận hành phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia. Bộ Công Thương cho biết sẽ giao EVN tính toán, kiểm tra với từng dự án.

Còn lại 12 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 1.634 MW đã có chủ trương và chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa có các quyết định về thu hồi đất, giao đất, hợp đồng thuê đất... nên Bộ này đề nghị không phát triển tiếp. Số dự án này sẽ được nhà chức trách xem xét thực hiện sau năm 2030, với điều kiện đảm bảo hệ thống truyền tải, cơ cấu nguồn điện vùng, miền và nhu cầu phát triển kinh tế.

Cùng đó, Bộ Công Thương đề nghị loại khỏi quy hoạch 3 dự án, phần dự án tổng công suất 60 MW, do chủ đầu tư thông báo không tiếp tục thực hiện. Số dự án này gồm Mai Sơn, phần còn lại dự án khu công nghiệp Châu Đức và phần còn lại dự án Thiên Tân 1.3.

Theo số liệu của cơ quan quản lý năng lượng, đã có 175 dự án điện mặt trời, tổng công suất 15.400 MW được quy hoạch, bổ sung trong 5 năm qua. 96% số dự án tập trung tại miền Trung và miền Nam.

Đến cuối năm 2020, đã có 8.736 MW điện mặt trời quy mô trên 1 MW vào vận hành thương mại, vượt xa kế hoạch 850 MW đưa ra tại quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Công Thương đề nghị làm tiếp hơn 726 MW điện mặt trời