Năm 2007, anh Nguyễn Hữu Hiệp xin ra khỏi cơ quan nhà nước, chuyển về làm ở Công ty CP Gốm Chu Đậu.
Phó Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Hiệp luôn tâm huyết với công việc kinh doanh
Từng giữ chức Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, rồi Phó Trưởng Phòng Tài chính huyện Nam Sách, năm 2007, anh Nguyễn Hữu Hiệp xin ra khỏi cơ quan nhà nước, chuyển về làm ở Công ty CP Gốm Chu Đậu.
Quyết định mạo hiểm
Nhận công tác đúng lúc công ty bộn bề khó khăn, anh được giao giữ chức kế toán trưởng, thay người tiền nhiệm đã nghỉ. Áp lực về thiếu vốn sản xuất, thiếu tiền trả lương công nhân, không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân… là "hòn đá tảng" đè nặng trên đôi vai anh. Nhưng từng trải qua những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ, anh đã tích lũy cho mình kinh nghiệm, sự bình tĩnh để đối mặt và giải quyết khó khăn.
Anh Hiệp bàn với vợ mang "sổ đỏ" của ngôi nhà đang ở tại thị trấn Nam Sách đi thế chấp vay lãi ngân hàng để góp vốn vào công ty. Thời ấy vay trên nửa tỷ đồng là nhiều lắm. May sao, vợ anh (chị Nguyễn Thị Nguyệt), công tác ở Trường THCS An Lâm đã thông cảm với chồng, chia sẻ và ủng hộ.
Nghề gốm ở Chu Đậu từng phát triển rực rỡ trong khoảng từ thời Lê - Mạc, sau đó bỗng lụi tàn và chìm vào quên lãng hàng mấy trăm năm, làm cho kỹ thuật bị thất truyền. Mãi đến đầu thế kỷ 21, tức năm 2001, gốm Chu Đậu mới hồi sinh, nhưng vẫn còn lạ lùng, đến nỗi một số người dân trong làng cũng không biết quê mình có nghề làm gốm. Bởi thế cũng chẳng làm lạ khi việc bán hàng, tiêu thụ sản phẩm thật sự khó khăn. Có năm vất vả ngược xuôi, công ty mới đạt doanh số khoảng 4 tỷ đồng.
Ngày ấy, ở trong nước chưa mấy ai biết đến sản phẩm gốm Chu Đậu mà chỉ quan tâm tới gốm Bát Tràng, gốm Đông Triều, gốm Phù Lãng... Ở nước ngoài người ta cũng chỉ biết gốm Chu Đậu qua các bảo tàng khảo cổ. Trong khi đó, sản xuất gốm lại trải qua nhiều công đoạn, với bao nhiêu yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ, công phu mà tỷ lệ rủi ro rất cao. Đã bao lần anh Hiệp hồi hộp chứng kiến cảnh nhóm lửa đốt lò với bao hy vọng nhưng khi xuất lò thì cũng bấy nhiêu thất vọng bởi có đến 30-40% số sản phẩm bị méo, trốc men.
Đã có công nhân bỏ đi tìm việc khác kiếm sống khi mà ở quanh vùng Nam Sách, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc lên. Bấy giờ anh Hiệp được giao giữ chức Phó Giám đốc công ty. Anh đã cùng Ban lãnh đạo công ty chung tay tháo gỡ mối chỉ rối bòng bong ấy.
Gỡ mối bòng bong
Nghề gốm, chủ yếu là sản xuất thủ công, nhưng có quy trình công nghệ liên hoàn, mà mỗi công đoạn sản xuất đều tương hỗ, có vai trò tích cực như nhau. Đặc biệt cần có bàn tay người thợ khéo léo. Công ty đã xây dựng một chiến lược tuyển dụng lao động khá bài bản, lâu dài, có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người đi học nâng cao tay nghề ở các nơi có nghề gốm như Bát Tràng (Hà Nội), Đông Triều (Quảng Ninh), Phù Lãng (Bắc Ninh)… Thậm chí, Ban lãnh đạo công ty còn cử người vào Bình Dương, Vĩnh Long để học hỏi kinh nghiệm. Có lúc công ty mời nghệ nhân gốm trong vùng về tận nơi để truyền nghề, đồng thời mời các họa sĩ tạo hình ở các trường đại học mỹ thuật về sáng tạo mẫu mới và giảng dạy cho người thợ những kiến thức mới. Mớ chỉ rối được gỡ dần và công việc thuận lợi hơn. Phải mất 7 năm (2007-2014), công ty mới hết khó khăn.
Theo thời gian, sản phẩm gốm Chu Đậu ngày càng phát triển với đủ các loại hình, kiểu dáng, kích thước khác nhau đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Những bình gốm hoa lam, bình tỳ bà, màu sắc hoa văn, màu men đẹp lung linh đã làm hài lòng khách hàng trong nước và bạn bè thế giới. Hiện nay, gốm Chu Đậu đang vào thời kỳ phát triển toàn diện. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về thăm và lưu bút trên các sản phẩm gốm đã nói lên sự quan tâm đặc biệt với nghề thủ công cổ truyền của dân tộc. Điều này càng tăng thêm sức mạnh niềm tin của người thợ gốm quê hương.
Thì ra hạnh phúc có thể bắt đầu từ những mảnh vỡ. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Hiệp và những người "đồng đội" ở Công ty CP Gốm Chu Đậu đã cùng nhau đi lên từ những mảnh vỡ. Hiện nay, công ty có doanh số tiêu thụ tăng gấp mấy chục lần trước đây, thu nhập người lao động đã cải thiện, bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
KHÚC HÀ LINH