Chân ướt chân ráo về nhà chồng, tôi nơm nớp lo sợ khi phải sống chung với bố mẹ chồng, không phải vì tôi lo mẹ chồng khó tính, xét nét này nọ mà sợ bố chồng có biệt danh “Bôn sê vích” nổi tiếng khắp khu phố.
Chồng tôi đã tâm sự nhiều lần như cảnh báo: “Mấy chục năm bố sống trong quân ngũ, lại là chỉ huy nên quen dùng mệnh lệnh rồi. Cả nhà ai cũng phải răm rắp vâng lời, đúng hay sai đều cấm cãi”. Chị gái của chồng tôi rỉ tai, mách nước: “Ở nhà này, bố là to nhất, quân lệnh như sơn, em ạ! Gắng mà chấp hành mệnh lệnh nhé”. Mẹ chồng tôi có thêm đồng minh thì than thở, giãi bày: “Mẹ lấy ông ấy phải chịu khổ cả đời. Thôi thì một sự nhịn chín sự lành. Ông ấy là thương binh, mỗi khi trái gió trở giời vết thương cũ tái phát, khó tính lắm”.
Cái sự khó tính của bố chồng tôi bộc lộ ngay từ ngày đầu tiên tôi về làm dâu. Bố ra lệnh tôi phải nộp hết lương của hai vợ chồng cho thủ quỹ là mẹ, đi đâu, làm gì cũng phải báo cáo, phải thế này, phải thế kia… Tôi nghe mà chóng mặt, ù tai. Bố còn yêu cầu tôi phải dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà chứ không tùy nghi di tản như tôi tưởng. Bố bảo tự nấu ăn sẽ bảo đảm vệ sinh, lại tiết kiệm, hơn nữa bữa ăn là dịp gia đình quây quần, ấm cúng, vì vậy phải duy trì nền nếp. Mặc dù trong lòng tôi rất ấm ức, chỉ muốn ngủ nướng cho đã mắt rồi ra quán ăn cho nhanh, thích ăn gì gọi món đó, lại có người phục vụ, đỡ phải nấu nấu nướng nướng, nhưng tôi cũng cố gắng dậy sớm để chứng tỏ là một nàng dâu đảm đang. Vậy mà hôm nào tôi xuống bếp cũng thấy bố đã cắm hộ mấy phích nước nóng để tôi nấu cho nhanh. Hóa ra bố dậy rất sớm. Bố lục đục mở cửa, dắt con Mích đi vệ sinh. Dù trời mưa hay trời lạnh, không sáng nào bố bỏ tập thể dục trước khi ngồi vào bàn ăn sáng. Chồng tôi có tập cũng chỉ buổi đực buổi cái nên bị bố phê bình “không kiên trì, không làm được việc lớn”.
Giờ giấc sinh hoạt, ăn ngủ, làm việc của bố chồng tôi như được lập trình sẵn, không chệch đi đâu chút nào. Vì vậy, vợ con cũng phải chạy theo. Một lần mẹ chồng tôi đi chùa ở xã bên về muộn, cả nhà phải chờ cơm tối khiến ông đùng đùng nổi giận: “Bà biết bây giờ là mấy giờ rồi không?”. Mẹ chồng tôi không nhịn như mọi lần mà vặc lại: “Ơ hay! Tôi đi chùa chứ có đi đâu mà ông hoạnh họe”. Mặt ông đỏ gay, tay đập mạnh xuống mặt bàn: “Giỏi! Bà giỏi nhỉ. Các cụ dạy cấm có sai. Thứ nhất tu nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu chùa. Bà thích thì từ mai ra chùa mà ở”. Thấy mẹ chồng rướn cổ lên, tôi hoảng quá, sợ trận khẩu chiến bùng nổ nên chạy ra ôm lưng bà, đẩy vào trong bếp: “Mẹ! Mẹ đừng nói nữa. Bố đang nóng”. Mẹ chồng tôi rền rĩ, nước mắt lưng tròng: “Người đâu mà gia trưởng. Mình đi suốt thì không sao, người ta về muộn một chút cũng hạch sách”.
Bố chồng tôi quả có đi suốt thật. Bởi từ ngày nghỉ hưu ông được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố. Mẹ chồng tôi cứ gàn: “Ông ăn lương thượng tá, lương thương binh là đủ lắm rồi. Ông làm thế người ta bảo tham”. Nhưng bố chồng tôi không nghe, ông bảo: “Tôi không tranh chức tranh quyền của ai, cán bộ, đảng viên bầu, dân tín nhiệm thì tôi làm. Cán bộ phải là công bộc của dân”. Mẹ chồng tôi ngán ngẩm: “Đúng là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bố chồng tôi rất nhiệt tình với công việc tập thể. Trong khu, hễ nhà ai có công to việc lớn là ông xăm xắn làm giúp, từ việc cấp dưỡng đến dựng rạp. Ông còn là trung tâm hòa giải của khu. Mang biệt hiệu “Bôn sê vích” nhưng ông nói thì ai cũng nghe và khen “có lý, có tình”.
Khi tôi sinh con, tự dưng bố chồng tôi thay đổi 180 độ. Ông tuyên bố: “Từ nay, các con tự giữ tiền lương của mình mà chi tiêu. Còn số tiền các con nộp cho thủ quỹ nhà mình thì bố thêm vào gấp ba để mua một suất đất nữa. Các con thích thì xây nhà ra ở riêng, không thích thì cứ ở đây với bố mẹ”. Tôi tròn mắt kinh ngạc. Bao nhiêu nỗi ấm ức trong lòng tôi kể từ khi đi làm dâu bỗng tan biến hết...
NAM HỒNG