Bỏ bạc vàng đến với ruộng đồng

11/07/2021 06:31

Quyết định rẽ ngang, làm nông bằng tất cả niềm đam mê đã giúp anh Thạch biến đồng đất thành "vàng bạc".


Vì đam mê mà anh Thạch (đứng) từ thợ kim hoàn trở thành thợ sáng chế máy nông nghiệp

Quyết tâm rẽ hướng, từ bỏ nghề truyền thống của cha ông, người thợ kim hoàn tài hoa Phạm Ngọc Thạch, sinh năm 1971, ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) đã trở thành ông chủ nông dân, biến đất đai thành "vàng bạc".

Rẽ hướng vì đam mê

Nhà anh Thạch có 5 đời theo nghề chế tác trang sức. Trong số 7 anh em, anh Thạch là người được kỳ vọng nhất để giữ lửa nghề gia truyền vì tài năng hơn cả. Không phụ sự kỳ vọng của gia đình, sau khi đi lính về vào năm 1997, anh đã mở xưởng chế tác vàng bạc tại quê nhà. Với sự nhanh nhạy trong tư duy cùng đôi bàn tay khéo léo, sản phẩm của anh Thạch nức tiếng gần xa. Có thu nhập rủng rỉnh, tạo việc làm cho hàng chục thợ trong làng nhưng anh vẫn cảm thấy chưa mãn nguyện. Phần vì các mẫu trang sức do anh sáng tạo đều đi trước nên bị sao chép nhiều, làm ảnh hưởng tới uy tín. Mặt khác, tuy công việc bận rộn song vẫn có lúc nọ lúc kia, sản xuất theo mùa vụ, lúc dồn dập, áp lực bởi đơn hàng nhưng nhiều khi lại nhàn rỗi, thảnh thơi. Thời gian rảnh, anh Thạch đều đi quanh thôn xóm cho tinh thần thoải mái để tìm kiếm ý tưởng sáng chế. Cũng từ đó, anh nhận ra những bất cập trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương khi đồng ruộng manh mún, người dân phải chật vật trong các khâu gieo cấy mà lợi nhuận gần như chỉ lấy công làm lãi.

Những trúc trắc của nghề kim hoàn đã làm cho anh Thạch thay đổi suy nghĩ. Năm 2003, anh đóng xưởng sản xuất, chuyển từ làm thợ sang làm thầy. Anh truyền nghề cho lớp sau, khi đã vững tay nghề thì giới thiệu tới làm việc ở các cửa hàng vàng bạc tại Hà Nội. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của anh Thạch mà đã có hàng nghìn người từ Bắc vào Nam trở thành thợ lành nghề, có được công việc và thu nhập ổn định. Dù vậy, anh vẫn luôn đau đáu về đồng đất trồng thứ cây nuôi sống con người, nông dân vất vả gieo cấy mà giá trị lại bọt bèo.

Và rồi trăn trở được thai nghén bấy lâu cũng đã thành hành động khi năm 2007, anh Thạch bỏ ra 40 triệu đồng để mua 2 chiếc máy cày. Nhớ lại ngày đó, anh chia sẻ: "Khi mới mang máy về ai cũng nghĩ tôi làm dịch vụ kiếm thêm song thấy tôi tháo rời từng chi tiết máy để nghiên cứu thì ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Ngay cả người thân cũng cho rằng tôi chưa đủ bận hay sao mà còn mua máy về, rồi còn làm chiếc máy nguyên vẹn thành đống sắt vụn. Tuy nhiên, tôi không mấy bận tâm bởi quan điểm của tôi là nếu muốn được việc, trước hết phải am hiểu".

Theo anh Thạch, trước đây máy móc nông nghiệp ít người dám đầu tư vì chi phí lớn mà hiệu quả sử dụng không nhiều, lúc thì hoạt động hết công suất còn khi xong mùa vụ lại "đắp chiếu" bỏ không trong thời gian dài. Do đó, anh Thạch muốn sở hữu chiếc máy đa năng để người làm máy cũng làm, người nghỉ thì máy nghỉ. Sẵn tính ham học hỏi nên anh không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và sáng chế máy. Từ máy cày đơn thuần, anh đã chế tạo ra chiếc máy đa năng có thể vừa cày, vừa xúc, vừa ủi đất. Sau khi thành công, ngoài việc dạy nghề kim hoàn, anh Thạch còn tranh thủ làm thêm dịch vụ cày thuê. Những tưởng đã hài lòng với công việc hiện có nhưng anh vẫn không ngừng tìm tòi về máy nông nghiệp và lâu dần thành niềm đam mê không thể từ bỏ. Năm 2014, địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, không mảy may suy nghĩ anh Thạch thuê 20 ha rồi để... không. "Người nhà trách móc, ngăn cản song với tôi đây không phải là quyết định nông nổi. Tôi luôn có ý nghĩ sớm muộn cũng phải làm điều gì đó khai thác tiềm năng của đồng đất quê nhà. Vì thế, thuê đất xong tôi cho một người bạn ở Thanh Miện mượn do cảm thấy chưa đủ khả năng kham được từng ấy ruộng đất", anh Thạch tâm sự.

Rồi người dân bỏ ruộng ngày một nhiều. Tiếc ruộng, xót công sức của nông dân, năm 2018 anh tiếp tục thuê thêm 20 ha ruộng, quyết tâm bỏ hẳn nghề kim hoàn để toàn tâm toàn ý với nghề nông. Để đưa ra quyết định này, anh Thạch không chỉ phải đấu tranh nội tâm nhiều mà còn phải thuyết phục người thân trong gia đình. Nghề gia truyền rất quý, phải gìn giữ, trân trọng nhưng lại không phù hợp với anh. Dạy nghề chế tác vàng bạc mà tâm trí chỉ nghĩ tới máy cày, máy gặt nên anh đành chấp nhận từ bỏ nghề truyền thống để bén duyên với nghề nông. Thu xếp ổn thỏa mọi việc, đầu năm 2019, anh Thạch khăn gói vào Long An tìm hiểu về mô hình sản xuất lúa tập trung, cơ giới hóa đồng bộ ở đây. Hơn 1 tháng đi khắp đồng đất Long An, tận mắt thấy những cánh đồng thẳng cánh cò bay và các xưởng cơ khí chế tạo máy móc nổi tiếng tại địa phương này, anh Thạch thấy rằng để có thể làm giàu từ cây lúa ở nơi sinh ra thì cần phải thay đổi nhiều.


Mỗi vụ nhà anh Thạch thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ mô hình mạ khay cấy máy và sản xuất lúa tập trung

Ấp ủ nhiều dự định

Quay về mảnh đất Bình Giang vốn là nơi thâm canh lúa gạo hàng đầu của tỉnh, anh Thạch vẫn thấy không ăn thua so với những gì anh trải nghiệm được tại Long An. Dù vậy, anh cũng nhận ra cách người dân Long An trồng lúa chưa phải là tối ưu. Tiền tích cóp bao năm, anh dồn hết vào mua máy móc, không phải để lao ngay vào đồng ruộng mà là nghiên cứu để thay đổi bộ phận, chi tiết máy phù hợp hơn với điều kiện canh tác tại địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và tuổi thọ của máy. Nhờ đó, những chiếc máy nông nghiệp chỉ có một công năng qua tay anh Thạch lại trở thành đa năng. Chiếc máy cày thông thường được anh chế tạo ngoài làm đất còn có thể phun thuốc bảo vệ thực vật, cuộn rơm, xúc đất, ủi đất... Không phải là người đầu tiên làm mạ khay cấy máy ở địa phương nhưng anh Thạch lại có cách làm hay để có thể đi sau về trước. Năm 2020, anh mới tập tành làm mạ khay thì đến vụ này đã có nhiều người ở nơi khác đến học hỏi kinh nghiệm. Nắng nóng làm cho mạ khay của một số cơ sở chết lụi thì mạ do anh Thạch sản xuất vẫn xanh tốt. Nhờ sự nhạy bén, không rập khuôn, máy móc theo kỹ thuật nên nắng nóng có đặc biệt gay gắt cũng không làm khó được anh trong sản xuất mạ khay. Khay mạ đặt trên nền bê tông nên thay vì lót nilon dưới khay như cách làm cũ, anh Thạch thiết kế đường nước tưới nhỏ giọt, duy trì độ ẩm cho mạ. 5 vụ gần đây, ngoài khâu làm đất, anh còn cấy máy thuê cho các hộ dân lân cận. Với 2 máy cấy cỡ lớn, ngoài 20 ha ruộng của gia đình, anh Thạch còn phục vụ cấy máy cho gần 100 ha của các hộ khác. Khi tự chủ sản xuất mạ khay, anh chủ động hơn trong việc bố trí thời gian cấy cho người dân. Mỗi vụ trừ chi phí, anh Thạch thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ 20 ha lúa gạo và dịch vụ mạ khay cấy máy. Đó còn chưa kể đến trang trại nuôi bò sữa, bò thịt ở Hưng Yên anh làm chung cùng người bạn và lợi nhuận từ việc gom rơm sau thu hoạch lúa. Thời gian tới, anh Thạch sẽ lấy lại 20 ha ruộng đã cho bạn mượn trước đó để mở rộng sản xuất.

Làn da đen sạm, nhuốm màu nắng gió của anh Thạch đủ để thấy anh lăn lộn, nhọc nhằn với ruộng đồng thế nào. Tuy vậy, với anh được làm công việc yêu thích thì mọi vất vả, cực nhọc cũng không thấm tháp gì. Vào vụ cấy, nhất là những ngày nắng gắt, lịch sinh hoạt của anh xáo trộn, đêm thành ngày rồi bữa ăn cũng gấp gáp, vội vàng hơn. Vậy mà sức lực của anh dành cho nông nghiệp vẫn không hề giảm. Vụ này, cấy 2 giống lúa chủ lực là Bắc thơm số 7 và Nếp 415, anh Thạch còn vào Buôn Ma Thuật lấy giống lúa gạo ngon nhất thế giới ST25 về gieo cấy thử 2 mẫu. Khi đã thành thục về máy nông nghiệp thì anh lại muốn tìm hiểu chuyên sâu về lai tạo giống mới. Anh Thạch đang ấp ủ dự định lai tạo giống lúa gạo của riêng mình dù biết là gian nan. Khi đã gỡ được nút thắt về thâm canh lúa gạo thì anh Thạch lại tâm tư về sản xuất vụ đông. Huyện Bình Giang là vựa lúa của cả tỉnh song lại thất thế về cây vụ đông. Để không lãng phí mà vẫn có thể cải tạo đất, vụ đông tới, anh sẽ trồng ngô và đỗ tương phục vụ chế biến.

Ngày trước, khi đang theo nghề chế tác vàng bạc lại bỏ đi làm nông nghiệp, anh Thạch phải đối mặt với ánh mắt nghi ngờ của nhiều người. Còn hiện tại, dù những nỗ lực của anh đã được ghi nhận, thậm chí là ngưỡng mộ, ngợi khen thì với anh mới chỉ là bước khởi đầu. "Mọi người vẫn nghĩ nghề nông bần hàn, ai cũng muốn thoát ly, thậm chí ngay chính bản thân tôi trước cũng nghĩ vậy. Thế nhưng giờ tôi lại đang làm điều ngược lại. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để chứng minh rằng nếu chọn đúng hướng đi, làm việc bằng niềm đam mê, sự nghiêm túc thì sẽ có được quả ngọt", anh Thạch chia sẻ.

NGUYỄN ÐẠT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ bạc vàng đến với ruộng đồng