Bom tấn mới nhất của nhà DC đem tới một phản anh hùng độc đáo và thú vị. Phim là một bữa tiệc giải trí mãn nhãn, song, kịch bản không mãn ý người hâm mộ vì quá mỏng.
Kịch bản của Black Adam chưa thực sự ấn tượng. Ảnh: Warner Bros
Thể loại: Siêu anh hùng, Hành động, Phiêu lưu
Đạo diễn: Jaume Collet-Serra
Diễn viên: Dwayne Johnson, Sarah Shahi, Pierce Brosnan, Noah Centineo, Aldis Hodge, Joseph Gatt, Natalie Burn, Quintessa Swindell,…
Đánh giá: 7,5/10
Black Adam là dự án điện ảnh dựa trên một nhân vật cùng tên của DC Comics. Đây là phần phim ngoại truyện của Shazam! (2019) và là dự án thứ 11 trong Vũ trụ DC mở rộng (DCEU).
Tám năm sau khi được chọn vào vai chính, The Rock cuối cùng cũng đã trình làng tác phẩm siêu anh hùng đầu tiên cho riêng mình.
Được đạo diễn bởi Jaume Collet-Serra, người trước đây đã làm nên thành công của The Shallows, Non-Stop và Jungle Cruise, Black Adam được lấy cảm hứng từ hình mẫu nhân vật cảnh sát Harry Callahan (Clint Eastwood) trong Dirty Harry (1971).
Thời đại mới của vũ trụ DC mở rộng
Bộ phim theo chân Teth Adam (The Rock), người được ban cho sức mạnh toàn năng của các vị thần Kahndaq cổ đại. Tuy nhiên, vì sử dụng quyền năng sai mục đích, anh bị phong ấn và cầm tù suốt 5.000 năm. Sau một khoảng thời gian dài, vị phản anh hùng bất ngờ được một người phụ nữ tên Isis (Sarah Shahi) giải thoát và chính thức trở lại.
Biết được tính cách bạo lực và lối hành xử có phần cực đoan của Adam, Hiệp hội Công lý (Justice Society) gồm bốn thành viên Doctor Fate (Pierce Brosnan), Hawkman (Aldis Hodge), Cyclone (Quintessa Swindell) cùng Atom Smasher (Noah Centineo) nhanh chóng tập hợp để tìm cách khống chế hắn, đảm bảo việc giữ gìn trật tự và an toàn cho nhân loại.
Sau nhiều mâu thuẫn và những màn đàm phán bất thành “kết thúc bằng nắm đấm”, tất cả dần học được cách buông bỏ những định kiến và toan tính cá nhân. Đó cũng là lúc mà mối hiểm họa chân chính bắt đầu lộ diện. Các anh hùng và phản anh hùng phải cùng nhau gác lại những xích mích, bắt tay đối mặt với kẻ phản diện độc ác, nguy hiểm.
Tám năm sau khi được chọn vào vai Black Adam, The Rock chính thức đặt bước chân đầu tiên lên miền đất siêu anh hùng và mở ra một kỷ nguyên mới cho vũ trụ DC mở rộng. Tương tự những bộ phim ra mắt trước đó, Black Adam là một bom tấn “đúng chất DCEU” nhưng vẫn mang những ngôn ngữ làm phim đặc trưng của Collet-Serra.
Khai thác những góc khuất, mặt tối của xã hội, mâu thuẫn giữa giai cấp và các mối quan hệ là tiền đề để đạo diễn mở ra lối đi mới cho vị phản anh hùng “hy sinh là một nô lệ, tái sinh là một vị thần” cập bến màn ảnh. Vì lẽ đó, bộ phim đem tới một màu sắc riêng, không hề trộn lẫn với Batman, Superman, The Flash hay Wonder Woman,...
Chẳng phải gánh chịu sức nặng của cái mác “siêu anh hùng” trên vai, nhân vật của The Rock trở nên tự do và hành động ngông cuồng hơn bao giờ hết. Từ cách anh chiến đấu, tiêu diệt kẻ địch không ghê tay cho tới việc thách thức đối đầu với “công lý”, tất cả đều nhuốm một sắc màu đen tối và lạ lẫm với khán giả.
Dẫu vậy, Teth Adam, theo đúng những gì mà kịch bản mô tả, lại là một phản anh hùng theo đúng nghĩa, không phải một phản diện. Dù bất tuân luật lệ và sẵn sàng đối đầu với Hiệp hội Công lý, nhân vật này vẫn chiếm trọn cảm tình của người hâm mộ nhờ tính cách thú vị và trên hết là lý tưởng mà anh theo đuổi. Đây chính là điều có thể tạo nên bước ngoặt mới cho vũ trụ DC. Bởi lẽ, khán giả đã quá quen thuộc với motif những anh hùng cổ điển.
Bên cạnh đó, Black Adam là một nước cờ hay để giới thiệu màn chào sân chính thức của Justice Society với người hâm mộ. Khi các siêu anh hùng thế hệ cũ đã gắn bó quá lâu và dần tỏ ra đuối sức trong việc đem lại những câu chuyện thú vị cho khán giả, việc “mở cửa” cho các nhân vật mới là một lựa chọn khá hiệu quả.
Bữa tiệc giải trí hấp dẫn
Nhìn nhận một cách tổng quan, Black Adam hoàn toàn xứng đáng được coi là một bom tấn giải trí chính hiệu. Có lẽ, hiếm dự án nào của nhà DC lại có thể đem tới bữa tiệc thịnh soạn đáp ứng cả về phần nghe lẫn nhìn như vậy.
Xuyên suốt thời lượng hơn 2 tiếng, các phân đoạn chiến đấu và cháy nổ diễn ra dồn dập, nghẹt thở. Không ngoa khi nhận xét đây là một trong số ít bom tấn siêu anh hùng có khối lượng cảnh hành động đồ sộ, không những “đủ” mà còn “đã”.
Với kinh phí sản xuất lên tới gần 200 triệu USD, Black Adam có kỹ xảo mãn nhãn và hoành tráng miễn chê. Từng cảnh quay được cắt dựng, xử lý CGI kỳ công, cho thấy sự đầu tư với tham vọng thỏa mãn trải nghiệm thị giác của khán giả. Bên cạnh đó, yếu tố âm thanh, nhạc nền của bộ phim cũng không kém phần ấn tượng.
Một điểm cộng sáng giá khác của phim tới từ các thiết kế nhân vật. Là hạt nhân trong câu chuyện, Teth Adam được khắc họa với hình tượng cơ bắp mạnh mẽ cùng sức mạnh đáng nể.
Trên phim, nguồn gốc quyền năng của Teth Adam chỉ được giới thiệu qua chứ chưa được khai thác quá sâu, một phần do giới hạn thời lượng tác phẩm. Dẫu vậy, người xem vẫn được chứng kiến năng lực khủng khiếp của một phản anh hùng “bá đạo”.
Xuất thân là một cựu đô vật và kiên trì xây dựng hình ảnh lực lưỡng, gai góc của mình, The Rock là phiên bản hóa thân không thể hoàn hảo hơn của nhân vật này. Trong bộ trang phục đặc biệt được thiết kế bó sát cơ thể, sự cường tráng cùng những cơ bắp vạm vỡ của anh khắc họa rõ nét một Teth Adam ưa bạo lực, yêu thích sử dụng “nắm đấm”.
So sánh với các bom tấn tiền nhiệm, Black Adam sở hữu nhiều yếu tố mới mẻ. Lời thoại bộ phim được cài cắm nét hài hước, dí dỏm, mang lại tiếng cười giải trí nhẹ nhàng sau những giây phút chiến đấu căng thẳng, ngột ngạt. Chưa kể, điều này đã phá vỡ định kiến nhàm chán và khô khan mà loạt phim DC bị chê trách trước đó.
Thông điệp nhân văn của bộ phim cũng được thể hiện theo nhiều khía cạnh mới lạ. Đó không đơn thuần là câu chuyện về sự đấu tranh giữa phe chính diện với phản diện. Đó còn là bài học về mâu thuẫn giai cấp, về tình yêu cùng sự tha thứ hay lằn ranh khó xác định giữa điều thiện và cái ác.
Kịch bản mỏng, cũ kỹ
Hướng đi mới lạ cùng ngôn ngữ phim mang đậm tính giải trí nhưng Black Adam vẫn vấp phải những thiếu sót không đáng có. Đơn cử, kịch bản quá mỏng là điểm trừ lớn nhất của dự án này. Câu chuyện phản anh hùng mang đến cho người xem tuy khác biệt nhưng còn khá đơn giản, chưa tạo được sức nặng đáng kể.
Chính vì sự “nhẹ cân” trong kịch bản, các sự kiện của phim diễn ra đơn điệu, thiếu vắng nút thắt cao trào đáng giá. Đó là chưa kể, cách Jaume Collet-Serra xây dựng phản diện lại quá cũ kỹ và kém thuyết phục so với Black Adam.
Sự bất cân đối trong việc triển khai hệ thống nhân vật khiến cho các mối quan hệ trong phim đôi lúc mang lại cảm giác thiếu chiều sâu và sự kết nối. Để rồi, kết phim diễn ra chóng vánh và chưa thực sự thỏa mãn khán giả, vô tình biến kẻ phản diện trở thành một trò hề.
Chưa kể, diễn xuất của The Rock trong phim không quá ấn tượng, chỉ dừng lại ở mức tròn vai. Những cảnh quay chiến đấu được tài tử thể hiện khá tốt, tuy nhiên anh lại để lộ sự đuối sức ở các phân đoạn yêu cầu sự tinh tế hay nét diễn nội tâm.
Bàn về quá trình thể hiện trong phim, spotlight lại thuộc về diễn viên kỳ cựu Pierce Brosnan với màn nhập vai Doctor Fate một cách hoàn hảo.
Chính vì điểm yếu khó bào chữa này, Black Adam vướng phải không ít tranh cãi trái chiều từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Cây bút phê bình Rachel LeBonte cho rằng thể loại siêu anh hùng dễ nhận được phản hồi tích cực từ người hâm mộ nhưng các nhà phê bình lại chẳng mấy mặn mà.
Vậy nên, cô kết luận Black Adam chẳng khác nào một bộ phim giải trí thông thường. Bởi một phản diện không hấp dẫn cùng cốt truyện rập khuôn đã quá quen thuộc và chẳng mấy ấn tượng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng giá trị giải trí mới là yếu tố cốt lõi mà The Rock mang tới trong bộ phim siêu anh hùng đầu tay của mình. Tác phẩm không phải là sự đổi mới toàn diện cho DCEU, nhưng ít nhiều là một dự án đáng khích lệ trong vũ trụ điện ảnh này, Ross Bonaime của tờ Collider nhận định.
Theo Zing