Bịt lỗ hổng chính sách đất đai - Bài 1: Chấm dứt quy hoạch "treo"

18/10/2022 06:00

Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) đi vào cuộc sống gần 10 năm. Luật đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả hơn so với trước.


Nhiều hộ dân khu 4, khu 3, phường Tân Bình (TP Hải Dương) "mắc kẹt" trong quy hoạch khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị mới phía tây TP Hải Dương. Ảnh: THÀNH CHUNG

Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi thực thi ngay ở Hải Dương, cần khắc phục trong dự thảo Luật Đất đai năm 2023 (sửa đổi).

Có quy hoạch nhưng kế hoạch sử dụng đất không được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng quy hoạch "treo", làm lãng phí tài nguyên của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.

Hệ lụy của quy hoạch "treo"

Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) đưa ra nhiều công cụ quản lý nhà nước về đất đai, trong đó công cụ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được đặc biệt nhấn mạnh. Tuy nhiên, sau gần 10 năm luật có hiệu lực đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư, dự án xây dựng nhà máy... được quy hoạch nhưng chậm triển khai dẫn đến quy hoạch "treo".

Điển hình trong số đó là quy hoạch khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị mới phía tây TP Hải Dương ở khu 3, khu 4, phường Tân Bình (TP Hải Dương). Các quy hoạch này được lập và phê duyệt từ những năm 2004-2005, đến nay đã gần 20 năm nhưng vẫn nằm trên giấy. Nhiều hộ dân sống trong khu vực quy hoạch khốn khổ "đi không được, ở cũng không xong" vì không được cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở. Người có điều kiện kinh tế thì bỏ lại nhà đất để mua ra vị trí khác. Người kinh tế khó khăn, chấp nhận bám trụ lại nhưng sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng, đi lại khó khăn, cứ trời mưa là ngập kéo dài vì hệ thống thoát nước xuống cấp, bị tắc nghẽn phần tiếp giáp giữa các khu vực đã triển khai và khu vực còn "treo".

Người dân trong tỉnh từng phấn khởi khi năm 2007, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Chế biến - tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp cho Công ty CP Vinamit. Dự án xây dựng trên diện tích gần 35 ha đất của 2 phường Nam Đồng và Ái Quốc (TP Hải Dương). Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng nhà máy sản xuất nước ép đóng chai quy mô 500 lít/giờ; chế biến nông sản; kho cấp đông, trữ đông quy mô từ 3.000 - 4.000 tấn/năm, được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được đầu ra cho nông sản của bà con trong tỉnh, khắc phục phần nào tình trạng "được mùa, mất giá". Tuy nhiên, đã 17 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, gần 35 ha đất được quy hoạch để triển khai dự án bị bỏ hoang, là nơi chăn thả trâu bò.

Tình trạng "dễ làm, khó bỏ" trong thực hiện quy hoạch cũng diễn ra phổ biến. Một số khu dân cư được quy hoạch gồm nhiều loại đất cần thu hồi, như: đất nông nghiệp, đất thương mại, đất ở lâu dài... Do kinh phí đền bù đất nông nghiệp thấp, dễ thu hồi nên nhiều nhà đầu tư chỉ tập trung giải phóng mặt bằng phần diện tích này. Còn đất thương mại dịch vụ, đất ở lâu dài... có giá trị đền bù cao, khó giải phóng mặt bằng thì "khoanh" lại rồi đề nghị tỉnh điều chỉnh phần diện tích đó ra khỏi quy hoạch, dẫn đến khi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì "ra tấm ra miếng" nhưng khi thực hiện thì nham nhở. Hậu quả, Nhà nước thất thu thuế, quy hoạch không thực hiện được, người dân không được xây dựng nhà ở vì dự án không được nghiệm thu, bàn giao.

Do đó, phải quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Kết thúc thời gian thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nếu nhà đầu tư không thực hiện, Nhà nước thu hồi và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khác đáp ứng được yêu cầu. Chỉ có bằng biện pháp này mới chấm dứt được tình trạng quy hoạch "treo" như hiện nay.


Dự án Nhà máy chế biến - tổng kho bảo quản rau, củ, quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Công ty CP Vinamit trên diện tích gần 35 ha đất của 2 phường



Nam Đồng và Ái Quốc (TP Hải Dương) sau 17 năm vẫn chỉ là bãi đất hoang. Ảnh: HOA LAN


Quy hoạch - công cụ quản lý nhà nước về đất đai

Dự thảo Luật Đất đai năm 2023 (sửa đổi) đã thể chế hóa toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (Nghị quyết 18). Trong đó có vấn đề quy hoạch được Nghị quyết 18 xem là một trong những nội dung cốt lõi. Dự án luật sẽ được thảo luận lần 1 tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV, dự kiến lấy ý kiến nhân dân đầu năm 2023 và Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu - tháng 10.2023.

Nghị quyết 18 nêu rõ quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất. Quy định rõ, chặt chẽ việc phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

Công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong quản lý nhà nước về đất đai. Thông qua quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, việc sử dụng các loại đất được bố trí, sắp xếp hợp lý. Nhà nước kiểm soát được mọi diễn biến về tình hình đất đai. Từ đó, ngăn chặn được việc sử dụng đất sai mục đích, lãng phí. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất buộc người dân, doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng trong phạm vi ranh giới của mình.

Hiện các địa phương trong tỉnh đang gấp rút hoàn thiện việc quy hoạch vùng huyện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trước khi hoàn thiện quy hoạch vùng tỉnh để trình Chính phủ phê duyệt. Nhiều địa phương đã hoàn thiện công tác quy hoạch và đã được phê duyệt. Các quy hoạch thể hiện rõ đâu là khu vực công cộng, vùng dân cư nông thôn, đất khu đô thị, vùng an ninh quốc phòng, vùng phát triển công nghiệp, vùng nông nghiệp, vùng phát triển du lịch, khu thương mại, dịch vụ, giải trí, hạ tầng giao thông... Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở triển khai lập các đồ án quy hoạch và tạo điều kiện kiểm soát xây dựng, phát triển hệ thống đô thị, công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của địa phương theo đúng định hướng.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Mục tiêu tổng quát của nghị quyết là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Kỳ sau: Phân bổ hài hòa địa tô chênh lệch đất đai

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bịt lỗ hổng chính sách đất đai - Bài 1: Chấm dứt quy hoạch "treo"