Đến với Điệp Sơn không chỉ có nắng vàng, cát trắng, biển xanh mà còn là nơi bình yên, trong lành như chốn thiên đường.
Hòn đảo nhỏ nhắn quyến rũ này được du khách lưu vào danh bạ du lịch chỉ chừng một năm nay.
Điệp Sơn (hay còn gọi là Hòn Bịp) là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Để đến được đảo Điệp Sơn cần phải ra bến tàu Vạn Giã nằm trên đường bờ kè ven biển. Buổi sáng trong lành của một ngày giữa hè, tôi hòa vào đoàn du khách trong và ngoài nước hối hả lên tàu ra đảo Điệp Sơn. Nếu đi ca nô chỉ mất từ 7 - 10 phút là đến nơi. Nhưng đi tàu thì phải chờ lâu vì đợi đủ khách và chạy rất chậm, mất chừng 50 - 60 phút. Tùy vào tài chính hoặc thích không gian riêng tư mà khách chọn lựa phương tiện giao thông đường thủy thích hợp. Hiện chỉ có khoảng 3 công ty du lịch tư nhân khai thác tuyến này. Đi ca nô giá vé là 100.000 đồng/người/chiều, giá vé tàu 40.000 đồng/người/chiều. Ngày càng nhiều người đổ ra đảo để thử cảm giác sống hoang dã như Robinson.
Nuôi tôm, cá trên biển là nghề chính của cư dân Điệp Sơn
Ở đảo Điệp Sơn có một đường đi trên biển độc đáo, là điểm nhấn mà từ Bắc tới Nam ai cũng mê mẩn. Đứng trên tháp canh ngay bến tàu, mọi người có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về đảo, nhất là đường đi trên biển. Chẳng biết từ khi nào xuất hiện đường đi độc đáo này nhưng khoảng 1 năm nay, các công ty du lịch đã nắm bắt cơ hội tổ chức tour đi trong ngày để du khách thưởng ngoạn. Một nhân viên phục vụ quán ăn trên đảo cho biết, thực ra đường đi trên biển đã có từ lâu nhưng những năm gần đây nó lộ rõ hơn. Đó là một đường đi dài chừng 1 km, uốn lượn như hình chữ S, lộ rõ hơn vào lúc 12 giờ trưa. Người ta đến đây chụp ảnh và tắm biển đông đúc. Đường đi này nối liền từ đảo Điệp Sơn ra hai đảo nhỏ hòn Quạ và hòn Ó. Lô nhô trên đảo là những lều trại của dân đi phượt, đa phần là người trẻ đến để tìm cảm giác lạ.
Trên đảo có hơn 80 hộ dân, đa phần đều làm nghề đi biển hoặc liên quan đến biển. Trên chuyến hành trình từ bến Vạn Giã ra đảo Điệp Sơn, có nhiều bè cá, tôm nằm san sát nhau. Đó là tài sản kiếm cơm của cư dân trên đảo Điệp Sơn. Họ nuôi trồng, đánh bắt trên biển và đến đảo Điệp Sơn cư trú, dần dần định cư tại đây luôn. Nơi đây bình yên đến mức thời gian như ngừng trôi, chỉ nghe được tiếng sóng biển vỗ rì rào và nghe tiếng chim biển tíu tít. Trên bãi biển hầu như không có tí rác nào. Rải rác trên đảo có những bọc nilon đựng rác để cho du khách bỏ rác vào. Những rác thải công nghiệp được đưa vào đất liền còn rác hữu cơ thì người dân tự hủy trong rừng cây.
Vẻ đẹp hoang sơ
Dọc theo triền gò có nhiều ngôi nhà xây cất đơn sơ nhưng chắc chắn để tránh bão và cái lạnh của gió biển thốc vào. Hầu như nhà nào cũng xây vài túp lều, có gác để cho du khách thuê nghỉ qua đêm, dạng homestay. Không có hotel, motel nhưng thật tuyệt vời khi du khách sống cùng nhà dân ở đây. Họ sẽ được trải nghiệm cuộc sống miền biển, cô lập. Nơi đây không có điện, chỉ sử dụng máy phát điện nhưng quy định mỗi gia đình được dùng 3 tiếng. Ngoài ra họ phải sinh hoạt bằng đèn dầu. Chỉ có những trường hợp khẩn cấp mới được ưu tiên dùng máy phát điện. Có lẽ vì cuộc sống quá thanh bình, không khí trong lành, không bị ảnh hưởng của lối sống công nghiệp, công nghệ nên cư dân ở đây đều khỏe mạnh. Bữa ăn mà họ cho là đạm bạc (hải sản đắt tiền trên đất liền) rất sạch và tươi. Ở đây có cả trại nuôi gà để đáp ứng nhu cầu của du khách và dành cho những bữa tiệc của người dân địa phương vì giá gà khá cao.
Từ một ngôi làng chỉ chừng 30 chục hộ dân mà giờ đã lên hơn 80 hộ. Và ngày càng nhiều người tìm đến Điệp Sơn vì sức hấp dẫn khó cưỡng của nó.
ĐẶNG TRUNG THÀNH