Tháng 5-1973, nhân kỷ niệm lần thứ 83 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường cấp ba Nam Sách mời nhà thơ Xuân Diệu về nói chuyện về thơ Bác Hồ. Đấy là lần thứ 250 nhà thơ nói chuyện về thơ Bác. Thầy Nguyễn Văn Đức cùng một số thầy trong Ban giám hiệu qua sông Kinh Thầy sang tận ga xe lửa Hải Dương đón Xuân Diệu. Lần ấy Xuân Diệu đi tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ xuống ga Hải Dương, rồi nhà trường thuê xe xích lô chở Xuân Diệu từ đấy qua đò Hàn sang Nam Sách. Mấy thầy giáo đùn nhà thơ lên cầu phao mệt đến nỗi quần áo lã chã mồ hôi. Lúc đi qua cầu nhà thơ nói vui với thầy Đức:
- Mình như cái va-li, các thầy làm sao xách đi, xách về được thì xách.
Mọi người cười bò quên cả mệt. Đến trường gần tan học buổi sáng, thầy trò xúm xít quanh phòng hiệu trưởng chăm chú theo dõi từng cử chỉ, vóc dáng, lời nói của nhà thơ. Vì học sinh biết tiếng tăm Xuân Diệu qua sách báo rất nhiều, nhưng giờ mới được nhìn tận mặt, nghe tận tai, riêng các thầy, cô giáo mới bắt được tận tay “ông hoàng thơ tình”. Lúc này nhà thơ đã hết mệt, hất mái tóc xoăn buông xõa lên phía trên. Trên bàn những món ăn dành cho nhà thơ đã được bày sẵn: trứng gà và cà mèn đựng đường. Nhà thơ ngoấy tan rồi uống rất tự nhiên, ông chậm rãi nói với mọi người:
- Tôi là con trâu có ăn cỏ mới cày được. Bình thơ cũng mệt như người đi cày, thậm chí còn hơn thế các bạn ạ!
Tất cả lại được phen cười ồ. Qua cách nói và cử chỉ của Xuân Diệu thầy trò cảm thấy gần gũi nhà thơ hơn. Uống xong ông yêu cầu các thầy dẫn ra địa điểm sẽ diễn ra buổi nói chuyện thơ ngay để xem kê bàn ghế ra làm sao. Trên đường đi ông bảo với một thầy giáo:
- Nói là nghề thứ hai của tôi. Cũng công phu lắm. Chỗ nói, chỗ nghe phải nghệ thuật.
Nói xong ông nhìn về phía thầy giáo Đức, một thầy giáo dạy văn của trường:
- Nói hỏng, tôi chết chứ ông chết à?
Khi qua một dãy phố nhỏ mọi người nhìn ông dáng cao to, tóc xoăn ùa ra chạy tới gần. Có tiếng trẻ em reo “Phi công Mỹ, phi công Nga hay sao chúng mày ạ!”. Có em biết được tin Xuân Diệu về thì bảo: “Bậy nào, nhà thơ đấy chứ!”. Sân Huyện uỷ được chọn làm địa điểm nói chuyện thơ cho buổi chiều hôm đó, ông nhìn lần lượt các bộ bàn ghế đã kê sẵn nói với thầy giáo đi bên:
- Chỗ này đặt lọ hoa, chỗ này để bia... chỗ nào là đại biểu...
Sau đó, ông lại đi bộ trở về phòng hiệu trưởng nghỉ trưa. Chừng như đi thực địa để “mục sở thị” như vậy ông mới yên tâm. Xuân Diệu rất coi trọng hình thức các buổi nói chuyện thơ. Còn việc đưa đón thì thế nào cũng xong, xe đạp, xe xích lô, ô-tô được cả. Đi nói chuyện thơ bất cứ ở nơi nào, ông đều dặn ban tổ chức nhắc nhở các thính giả khi diễn giả nói có chỗ cần vỗ tay thì phải vỗ tay thật to, thật nhiều, yêu cầu phải có đông khán giả. Rất may, buổi nói chuyện thơ Bác Hồ của nhà thơ Xuân Diệu cho thầy trò Trường cấp ba Nam Sách lần ấy đã làm toại nguyện những mong muốn của nhà thơ đã yêu cầu.
LÊ HỒNG THIỆN(st)