Lương ngồi chống cằm nhìn đăm đăm vào chiếc bình gốm. Đó là chiếc bình gốm Phù Lãng, không họa tiết, men da lươn. Lần đầu tiên nhìn thấy sự mộc mạc từ hình dáng đến màu sắc ấy Lương đã thích mê.
Lương cầm cây chổi quét đi tất cả những thứ rác rưởi còn sót lại sau Tết, thở phào. Từng vốc hoa đào tàn, vài vỏ bao lì xì, mẩu thuốc lá vương vãi khắp nơi và cả những giấu dày dính đầy đất cát. Tiếng hát karaoke từ bốn phía đã tắt dần. Đèn nhấp nháy được tháo xuống. Ngoài đầu ngõ rác chất đầy, toàn cành đào, bánh chưng mốc và vỏ hộp bánh mứt chồng chất lên nhau.
Cuối cùng thì Tết cũng kết thúc, chồng đi làm, các con đi học. Tết của Lương bây giờ mới thật sự bắt đầu. Chị đóng cổng từ chối những cuộc ghé thăm. Một mình trong căn phòng, Lương ngắm nhìn chiếc bình gốm đặt trên giá sách. Chiếc bình vừa mới hoàn thành nhiệm vụ của mình là cho cắm hoa ngày tết. Những cành tuyết mai được Lương nhờ người thân mua ở Thủ đô về với giá không hề rẻ, đã tàn mất rồi. Dù người bán nói chúng có thể nở hoa suốt hai tháng trời. Giờ nghĩ lại Lương thấy mình chưa được thảnh thơi ngắm hoa ngày nào. Chưa cảm được hết cái đẹp mỏng mảnh, dịu dàng thanh thoát của tuyết mai. Lương bận quá. Đàn bà ngày Tết ở xứ này không bận mới lạ. Bận sửa sang, dọn dẹp nhà cửa. Bận thu vén tiền nong các mối khách hàng, đòi chỗ này mang trả chỗ kia. Bận sắm Tết hai bên nội ngoại. Ở nhà cả năm nhưng mấy ngày Tết phải đóng cửa về quê chồng. Bình hoa nở lặng lẽ cô đơn trong bóng tối không một ánh mắt ngắm nhìn. Chủ của nó còn đang bận vùi đầu vào bếp núc, dầu mỡ, những câu chào hỏi chúc tụng xã giao ở một nơi toàn điều khách khí. Bất chợt những câu thơ mấp máy trên môi chị:“Trong chiếc bình không hoa/ Thấy cả ngàn cánh rụng”. Giờ này Ph. đang làm gì nhỉ? Than từ đêm qua đã tàn chưa? Những vị khách có lẽ đã mệt sau một đêm đàn hát bên lửa trại. Nơi ấy có lẽ sương đã tan rồi. Không thấy Ph. online. Ừm, có lẽ là Ph. vừa chợp mắt.
Cái nghề làm dịch vụ homestay của Ph. là thế, giờ giấc không ổn định. Nhưng thật ra cuộc sống như thế hợp với Ph., một người đàn ông ưa ồn ào náo nhiệt và những sự chuyển biến không ngừng. Lương từng hỏi:
- Người như anh mà sao lại bỏ phố về nơi hẻo lánh này?
- Vì nơi này cần anh.
Phải. Vùng đất đó cần Ph.. Anh từng có thói quen đi phượt một mình. Nơi anh đến không chỉ là những địa chỉ đã nổi tiếng sẵn. Anh thích tìm con đường riêng của mình, thích khám phá những nơi còn ít người biết đến. Bởi vậy mà khi thấy xóm núi mở ra trước mắt, Ph. như vỡ òa cảm xúc trước khung cảnh quá đỗi tươi đẹp ấy. Núi ngồi bên núi, dựng cạnh hồ, mây bay lãng đãng. Vài tiếng chim cất lên, vài con cá lặn tăm khi bóng người vừa đến. Ph. nói tiên cảnh là có thật. Chỉ cách thủ đô gần trăm cây số chứ mấy, thế mà con người ta lại có thể sống một cuộc đời bình yên đến thế.
- Vậy thì anh mới chính là người cần đến nơi này.
- Có thể. Nhưng em biết không? Khi anh mới đến đây những con đường chưa được trải bê tông. Đất đai còn nguyên sơ cần được đánh thức và khai thác. Em nhìn thấy những người đang làm việc ở đây không? Khuôn mặt họ vui hơn khi anh mới đến. Bạn bè anh về đây, những ngôi nhà mọc lên và khu du lịch sinh thái được hình thành. Bao người dân bản địa có công ăn việc làm. Họ được nhận vào nấu bếp, làm vườn. Nông sản họ làm ra được khách du lịch tiêu thụ một lượng lớn. Quan trọng là chúng ta có thêm một địa chỉ mới cho tâm hồn nghỉ ngơi.
Lương thích nhìn Ph. trong hình dung về một người đàn ông luôn tràn trề sức sống. Anh nhìn đâu cũng thấy con đường. Hôm tìm đến Hồ Xanh là lúc trái tim Lương rỉ máu. Không muốn bị cảm giác tiêu cực nhấn chìm mình từ từ, Lương phải cố vùng vẫy để thoát ra bằng một chuyến đi xa. Số phận đã đưa chị đến đó gặp Ph.. Như là tìm thấy một phương thuốc quý. Ph. nói:
- Anh không biết chuyện gì đã xảy ra với em. Nhiều người từng đến đây khi chấp chới, chênh vênh, cùng cực. Em rồi sẽ ổn thôi, như họ.
- Sẽ ổn thôi. Ừm… Nhưng ổn theo cách nào? Để lòng mình dịu lại, vết thương này khô đi như bao vết thương khác rồi sống tiếp. Hay là buông bỏ tất cả để sống một trang đời mới?
- Rồi thời gian sẽ cho em câu trả lời.
Đã hai năm kể từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Những tin nhắn qua lại đã an ủi Lương trôi qua bao ngày nhàn nhạt. Nếu không phải Ph., thì cũng sẽ là một ai đó khác. Lương cần phải nắm níu vào một cái gì đó để mỗi lần nhìn thấy chồng trở về nhà chị thôi không cay đắng. Không còn lao vào tra hỏi mùi nước hoa lạ trên người chồng. Không hỏi anh đi đâu? Ngủ với ai? Sao tháng này đưa lương ít vậy? Tại sao phải cài mã khóa điện thoại? Nửa đêm còn nhắn tin qua lại với ai? Từng có lúc hàng trăm câu hỏi giày vò tâm can Lương. Đốt cháy những đêm dài chờ tiếng mở cánh cổng của chồng. Khi nhận được những tin nhắn công kích của kẻ thứ ba Lương lao ra khỏi nhà, bấn loạn. Chị không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu chị cứ tiếp tục ở lại thành phố vào những ngày đó. Chị thoát ra khỏi thế giới chứa đầy sự giả dối, phản bội ấy bằng một chuyến đi đến xóm núi Cốc. Như một sự sắp đặt của định mệnh, chị gặp Ph. ở đó.
*
Lương ngồi chống cằm nhìn đăm đăm vào chiếc bình gốm. Đó là chiếc bình gốm Phù Lãng, không họa tiết, men da lươn. Lần đầu tiên nhìn thấy sự mộc mạc từ hình dáng đến màu sắc ấy Lương đã thích mê. Lương từng ngắm nghía nó nhiều lần, trong đầu mường tượng ra những cành tuyết mai điệu đà làm dáng. Chiếc bình này dường như được sinh ra cho loài hoa ấy. Nên dù mua về đã gần hai năm Lương chưa từng cắm vào bình bất cứ loài hoa khác. Sống với chồng bảy năm, Lương nhận ra hôn nhân cũng giống như chuyện cắm hoa. Không có chiếc bình nào dành cho tất cả loại hoa. Không có loài hoa nào đặt vào mọi chiếc bình đều đẹp. Điều cần thiết vẫn là sự phù hợp. Khi yêu nhau Lương chưa từng bao giờ đặt câu hỏi mình có phù hợp với Duy không? Tình yêu của tuổi trẻ vốn không toan tính, đong đo. Cứ nghĩ chỉ cần được ở bên nhau là sẽ có viễn cảnh “anh đọc sách, em pha trà” lúc về già. Là bão giông nào cũng có thể vượt qua. Là tình yêu sẽ vẫn mãi mặn mà cho dù mười hay hai mươi năm cũng không hề nhàm chán. Hôm ngồi nghe cô ca sĩ được mệnh danh là nữ hoàng giải trí tâm tình “Khi hai mấy tuổi các cô gái hay nghĩ yêu ai sẽ sinh con cho người ấy nhưng mình phải sinh con cho một người mà người đó chắc chắn là người cha tốt”. Lương cười chua chát bởi mọi bài học đều phải trả học phí. Mà học phí của chị đó là mười năm thanh xuân, tận tụy vì người không đáng. Duy không phải là một người chồng tốt, càng không phải là người bố biết thương con. Những thú vui ngoài kia đủ sức để lôi tuột Duy đi bất cứ lúc nào. Anh trở về nhà trong những cơn say mang theo cả môi hôn của người đàn bà khác. Sáng hôm sau tỉnh dậy Duy quên mất tối qua con rủ làm diều, con xin mua bộ lịch đậu ngọt mang tên “Hộ chiếu cho hành trình khôn lớn”. Duy cũng quên mất buổi họp phụ huynh cho con vào cuối tuần. Quên cả lịch đưa con đi tham dự cuộc thi toán Soroban như đã hứa. Thằng nhỏ vài lần khóc hờn vì bố không biết giữ lời. Sau này con không còn tin vào những lời của bố. Thằng bé ngày càng lầm lì, ít nói. Lương thấy có lỗi khi không thể mang đến cho con một tuổi thơ trọn vẹn.
Lúc chị đang lúi húi nấu ăn sáng cho con thì nhận được tin nhắn của Ph.. “Em ổn chứ? Khi nào thì em sẽ quay lại nơi này?”. Lương đứng bần thần trước ngọn lửa đang reo dưới đáy nồi. Nó gợi nhớ ngọn lửa của một đêm lửa trại ở Hồ Xanh, Ph. lãng tử cầm đàn ca hát quên cả đất trời. Đã từng có lần chị tự hỏi liệu Ph. có phải chỉ là một cơn ảo mộng. Mà đã là ảo mộng thì dù đẹp thế nào cũng có lúc tan đi. Ph. sinh ra không phải để dành cho chị. Những ấm áp ấy Ph. phóng khoáng trao cho tất cả mọi người. Chị đã qua nhiều ngộ nhận ở đời nên biết mình không thể đắm đuối trong thứ ảo ảnh về hạnh phúc. Lương bước lên từng bậc cầu thang, ngồi đối diện với chiếc bình gốm. Không có âm thanh nào phát ra. Không có ngôn từ nào mấp máy. Không có cuộc độc thoại hay đối thoại nào diễn ra. Chị soi mình vào từng thớ gốm. Một chiếc bình còn biết chọn hoa để đồng điệu nâng niu. Sao chị lại không đủ can đảm lựa chọn lại hạnh phúc của mình? Câu hỏi ấy ngấm dần vào tâm can chị, tê tái, rã rời. Tờ giấy trắng đặt ngay trước mặt. Chị bắt đầu đặt bút. Hôn nhân như một tấm áo choàng của đàn bà. Khoác lên vai thì nặng. Bỏ xuống thì hụt hẫng. Nhưng Lương biết cũng đã đến lúc rồi. Như chiếc bình cả đời đợi cành hoa tuyết mai khoe sắc. Trong sự chờ đợi ấy không có nỗi cô đơn hiện hữu. Chiếc bình vẫn ở đó và vẹn nguyên giá trị. Giống như tình yêu và khát khao hạnh phúc của một người đàn bà sẽ không vì bất cứ sự đổ vỡ nào mà mất đi sự kiêu hãnh…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG