Với việc sử dụng các hầm biogas, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi bằng men vi sinh..., Bình Giang đã và đang phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
Huyện Bình Giang xác định phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường. Hàng trăm trang trại, gia trại ở địa phương này đã áp dụng nhiều giải pháp như sử dụng các chế phẩm sinh học, làm hầm biogas...
Những điển hình
Gắn bó với chăn nuôi khoảng hai chục năm nay, hiện gia đình bà Nguyễn Thị Nguyện ở thôn Hoàng Sơn là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn của xã Thái Dương. Gia trại được đầu tư xây dựng với 2 dãy chuồng có quy mô khép kín, duy trì từ 200-300 con lợn thịt, 50 con lợn nái. Ngay từ khi xây dựng chuồng trại, gia đình bà Nguyện đã quan tâm đến khâu vệ sinh môi trường. Chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý, trong đó phân lợn được thu gom, xử lý bằng men vi sinh, đóng bao bán lại cho các hộ nông dân tận dụng để bón cây. Nước thải, nước tắm, nước rửa chuồng của vật nuôi được đưa về các bể biogas xử lý bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bà Nguyện cho biết hệ thống chuồng trại khép kín, tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu chọn thức ăn chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại đến xử lý chất thải chăn nuôi giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh, hạn chế các dịch bệnh và bảo đảm yếu tố về môi trường. Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình trong chăn nuôi nên gia đình bà Nguyện là một trong số ít hộ không bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi năm 2019.
Gia đình anh Đinh Hữu Thắng ở thôn Lý Đông, xã Vĩnh Hồng thường xuyên phun khử trùng khu chuồng trại chăn nuôi
Gia đình anh Đinh Hữu Thắng ở thôn Lý Đông, xã Vĩnh Hồng chuyển hướng đầu tư từ nuôi lợn sang nuôi gà và vịt từ năm 2007. Trên diện tích 800 m2 chia thành 2 khu chuồng, anh Thắng nuôi 4.000 con gà và 4.000 con vịt. Anh Thắng chia sẻ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là thách thức đối với nông dân bởi chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Ý thức được điều này, anh Thắng học hỏi kỹ thuật nuôi gà, vịt qua những người chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi và đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện toàn huyện Bình Giang có hơn 200 trang trại, gia trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường như gia đình bà Nguyện, anh Thắng. Các trang trại, gia trại chăn nuôi đều được xây dựng theo đúng quy chuẩn bảo vệ môi trường, có hầm biogas hoặc các bể lắng lọc xử lý nước thải chăn nuôi. Ngoài các hộ chăn nuôi quy mô lớn, Bình Giang có hơn 2.200 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi được vệ sinh thường xuyên, chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý bằng các hầm biogas và chế phẩm sinh học.
Huyện quan tâm
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết thời gian qua, Bình Giang luôn xác định phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn trong huyện đều xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, nhất là các hộ về Luật Chăn nuôi, các quy định, chính sách về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
Mô hình trang trại chăn nuôi lợn với hệ thống chuồng nuôi khép kín của hộ bà Nguyễn Thị Nguyện, xã Thái Dương
Bình Giang đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi cho người dân. Huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi. Để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác tiêm phòng. Duy trì có hiệu quả công tác vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại tất cả các xã, thị trấn nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan dịch bệnh, tạo thuận lợi để đàn vật nuôi phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Giang lần thứ XXVIII, huyện đã xây dựng và triển khai Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025". Trong đó, phát triển các vùng, xã trọng điểm chăn nuôi như nuôi lợn tại các xã Bình Xuyên, Cổ Bì, Thái Dương, phát triển đàn gia cầm tại các xã Tân Việt, Tân Hồng, Cổ Bì, Hồng Khê, Thái Hòa... Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Mở rộng quy mô đàn theo hướng sản xuất hàng hóa...
HÀ NGA