Bình Giang nở rộ chiếu chèo

30/03/2013 08:04

Phong trào hát chèo ở huyện Bình Giang đang hồi sinh từng ngày.



Hầu hết các đội hát chèo ở Bình Giang đều tự biên, tự diễn các tác phẩm chèo


Trước kia, chỉ vài thôn có câu lạc bộ (CLB) hoặc đội chèo, bây giờ trong huyện đã có gần 40 CLB, đội chèo. Hát chèo trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với người dân địa phương. Cụ Phạm Đình Trinh, 75 tuổi, nghệ nhân hát chèo làng Tuyển Cử, xã Tân Hồng cho biết: "Từ nhỏ, tôi đã tham gia gánh hát chèo của làng, đến nay tuổi cao nhưng tôi vẫn muốn lên sân khấu. Gia đình tôi có 3 thế hệ đều hát và đam mê chèo".

Ở làng Tuyển Cử, hát chèo có từ thời xa xưa nhưng đến những năm 1960 thì phát triển mạnh mẽ. Khi đó, làng chỉ có khoảng 30 hộ dân nhưng đã hình thành đến 5 gánh chèo, tham gia biểu diễn nhiều nơi. Hiện nay, đội hát chèo có 28 người. Vào dịp hội làng, các ngày lễ, Tết không thể thiếu tiếng hát chèo. Làng Tuyển Cử hiện còn giữ được các trích đoạn chèo cổ như "Chiếc khăn hồng", "Chiếc khăn thêu", "Sao đổi ngôi", "Gánh mạ đầu xuân"... Các nghệ sĩ trong đội hát chèo còn tự biên, tự diễn được nhiều tác phẩm chèo cách tân như: "Chân trời ước vọng", "Nguyện theo cờ Đảng quang vinh"...

Không chỉ thôn Tuyển Cử (xã Tân Hồng), các thôn khác của xã Nhân Quyền cũng rộn rã tiếng hát chèo. Mỗi thôn đều thành lập được 1 đội chèo, mỗi đội có từ 15 - 20 người. Nhân Quyền "may mắn" khi có nghệ sĩ chèo Vũ Công Bằng đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, thường về làng dạy hát chèo cho người dân. Nhờ đam mê chèo và được tập luyện thường xuyên nên đội hát chèo của xã thường giành những giải cao trong các hội diễn sân khấu, trong đó có 2 năm đoạt giải tại Liên hoan sân khấu không chuyên toàn quốc. Các đội chèo ở Nhân Quyền không chỉ để đi thi và giành giải mà điều quan trọng là gìn giữ và phát triển một môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Do vậy, người dân tổ chức tập luyện hát chèo vào bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Mỗi khi sáng tác được những tác phẩm chèo mới, hay, đội chèo lại tập hợp tại nhà văn hóa thôn để cùng nhau tập luyện, thu hút nhiều người dân đến xem, thưởng thức. Cứ như thế, phong trào hát chèo đi vào cuộc sống của người dân trong thôn. Giờ đây, mỗi khi sân khấu lên đèn, các điệu chèo truyền thống cũng như cách tân lại vang lên. Tiêu biểu như các vở: “Màn hội Tấm Cám”, “Quan âm thị Kính”, “Trương Viên” hay các vở chèo cách tân: “Thảm họa đi-ô-xin”, “Hoa khôi làng”… Để gìn giữ nghệ thuật chèo, các nghệ sĩ trong đội hát chèo của làng còn tham gia dạy hát chèo cho các đội văn nghệ tại các trường học của xã.

Ngoài xã Tân Hồng, Nhân Quyền, đến các xã Thúc Kháng, Tân Việt, Vĩnh Hồng hay bất kỳ xã nào của huyện Bình Giang, phong trào hát chèo cũng rất sôi nổi. Những năm qua, Trung tâm Văn hóa, thông tin huyện đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật tỉnh mở một số lớp dạy hát chèo tại địa phương. Dự kiến trong tháng 4-2013, trung tâm và nhà trường sẽ tiếp tục mở một lớp hát chèo. Hiện tại, danh sách người muốn tham gia gửi về trung tâm đến hàng trăm người, nhưng quy mô lớp chỉ có thể ở mức 60 người. Trong đó, riêng xã Vĩnh Hồng đã có 39 đơn tham gia và khoảng 100 người muốn tham gia. Ông Trần Văn Chuyên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin huyện cho biết: “Tham gia lớp học, học viên được miễn phí học, hỗ trợ tiền ăn trưa. Lớp học sẽ học tập trung trong khoảng 1 tháng. Đây là lớp học thiết thực cho những ai đam mê hát chèo. Nếu không vướng mắc về kinh phí, các lớp hát chèo này được duy trì thường xuyên ở từng xã thì phong trào hát chèo ở Bình Giang còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, giải bài toán kinh phí không đơn giản. Vì hát chèo không chỉ cần tiền mở lớp dạy hát, còn vấn đề trang phục, nhạc công, không gian, sân khấu biểu diễn… Tuy khó, nhưng Bình Giang quyết tâm gìn giữ và phát triển môn nghệ thuật truyền thống này”.

THÚY HÀ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Giang nở rộ chiếu chèo