Là vựa lúa gạo chất lượng cao của tỉnh, huyện Bình Giang xác định sản xuất lúa hữu cơ để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa khai thác bền vững lợi thế này trong phát triển nông nghiệp.
Trước mắt, huyện Bình Giang sẽ áp dụng sản xuất hữu cơ trên diện tích lúa cấy máy
Không vội
Nhìn hơn 1 mẫu lúa đang lên xanh tốt, bà Vũ Thị Xòe ở thôn An Dật, xã Hồng Khê đã yên tâm hơn phần nào vì gia đình bà là một trong những hộ đầu tiên đăng ký gieo cấy lúa theo hướng hữu cơ. Từ trước đến nay, bà Xòe luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tại địa phương nên không lạ lẫm khi áp dụng cách làm mới để có thể thu lợi nhiều hơn từ cây lúa. Thế nhưng lần này lại khác bởi trước đây, theo hướng dẫn của khuyến nông viên, bà chỉ cần điều chỉnh một vài thao tác chăm sóc nhỏ, còn bây giờ phải thay đổi cả suy nghĩ lẫn cách làm. Với mong muốn có thu nhập ổn định nhờ cây lúa, bà Xòe đã gạt bỏ những băn khoăn để tập trung gieo cấy lúa hữu cơ. "Tôi làm theo đúng chỉ dẫn của HTX, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học. Tôi cũng không nôn nóng khi lúa có sâu bệnh mà dùng thuốc bảo vệ thực vật như trước. Thay vào đó, tôi tích cực đi thăm đồng để nắm bắt rõ tình hình rồi chọn cách chăm sóc phù hợp", bà Xòe nói.
Xã Hồng Khê đang duy trì gieo cấy 439 ha lúa gồm 2 giống chủ lực là Bắc thơm số 7 và nếp 415. Theo ông Vũ Đình Đắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp, địa phương đã xây dựng 33,8 ha lúa theo hướng hữu cơ ở các thôn An Giật, Phú Bùi. Vụ chiêm xuân năm nay, HTX thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ chuyên sâu trên diện tích 2 ha ở thôn Phú Bùi. Đặt mục tiêu phát triển lúa hữu cơ trên diện rộng trong thời gian tới, song xã không quá nặng về diện tích mà chú trọng tới kết quả thực chất. Vì thế, địa phương đã lên kế hoạch triển khai theo cách từ mô hình nhỏ tới mô hình lớn, từ một vài hộ dân rồi nhân rộng ra toàn xã.
Hằng năm, huyện Bình Giang gieo cấy khoảng 6.000 ha lúa, trong đó 90% diện tích lúa chất lượng cao. Nhiều năm nay, trước áp lực về năng suất, sản lượng, nông dân đã lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Theo thời gian, những chất độc hại tích tụ làm độ màu mỡ của đất đai giảm và ảnh hưởng tới môi trường sống. Trước thực tế này, một số xã Hồng Khê, Thái Hòa, Thái Dương, Bình Minh... đã chủ động tìm hiểu, kết nối với doanh nghiệp để xây dựng mô hình lúa hữu cơ. Cách làm mới không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đất, giảm tác động tiêu cực lên môi trường. Bình Giang xác định sản xuất hữu cơ là giải pháp then chốt để khai thác tối đa lợi nhuận từ cây lúa mà vẫn bảo vệ được môi trường. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 600 ha lúa được canh tác hữu cơ, trở thành vùng lúa hữu cơ lớn nhất tỉnh.
Gỡ từng nút thắt
Hiệu quả thấy rõ song việc phát triển lúa hữu cơ của huyện Bình Giang vẫn gặp nhiều rào cản. Trước hết là người dân có tâm lý ngại thay đổi. Bên cạnh đó, gieo cấy lúa hữu cơ đòi hỏi người sản xuất phải dành nhiều thời gian cho đồng ruộng nên nông dân ít hào hứng với cách làm này. Xã Long Xuyên được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình lúa hữu cơ bởi đây là địa phương luôn đi đầu trong đổi mới kỹ thuật canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai tới các hộ không mấy thuận lợi. Giải thích về nguyên nhân, ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho rằng người dân đã quen với tập quán canh tác cũ, không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Trước những khó khăn gặp phải, huyện Bình Giang đã lên phương án tháo gỡ từng nút thắt để thúc đẩy sản xuất lúa hữu cơ. Trước mắt, huyện sẽ lồng ghép thực hiện mô hình lúa cấy máy với sản xuất hữu cơ bởi trước đó lúa cấy máy được đánh giá dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Vì thế sẽ khắc phục được lo ngại của người dân về những hạn chế trong phương thức canh tác này. Huyện liên kết với một số doanh nghiệp uy tín chuyên cung cấp vật tư phục vụ sản xuất hữu cơ và các đơn vị chuyên ngành để xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác bài bản, đồng bộ. Chủ động kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm lúa gạo hữu cơ. Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay, việc chuyển từ lối canh tác truyền thống sang hữu cơ không chỉ là bài toán về hiệu quả kinh tế mà còn thay đổi nhận thức sản xuất để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong phát triển nông nghiệp. Chỉ có vừa khai thác, vừa bảo vệ mới thu được lợi nhuận bền vững. Thế mạnh của địa phương là lúa gạo nên sản xuất lúa hữu cơ chính là nhiệm vụ trọng tâm mà huyện đặt ra trong thời gian tới.
DŨNG CƯỜNG