Dự kiến, năng suất lúa vụ chiêm xuân năm nay của huyện Bình Giang ước đạt 68-70 tạ/ha, cao hơn vụ trước từ 2-3 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay và đứng ở tốp đầu về năng suất lúa của toàn tỉnh...
Nông dân xã Tân Việt (Bình Giang) thu hoạch lúa Bắc thơm số 7
Trên cánh đồng thôn Hòa Loan, xã Nhân Quyền (Bình Giang), nông dân đang tranh thủ thời tiết nắng ráo thu hoạch lúa chiêm xuân. Anh Phạm Văn Tú vui vẻ cho biết: "Tôi đã gặt được 4 sào. Năng suất lúa Bắc thơm số 7 đạt 64-65 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ chiêm xuân năm trước. Nhờ áp dụng mô hình xử lý rơm, rạ thừa từ các vụ trước ủ làm phân vi sinh bón lúa nên tôi tiết kiệm được khoảng 20% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Lúa sạch lại được giá hơn lúa được bón bằng phân hóa học".
Những năm trước đây, nông dân thường có tập quán cấy mạ dược, không quen gieo thẳng do lo ngại phải tốn công tỉa dặm và lúa dễ bị đổ. Tuy nhiên, gần đây để rút ngắn khung thời vụ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất như: máy gieo sạ và máy gặt nên diện tích lúa gieo thẳng ở xã Tân Hồng tăng lên nhanh chóng. Vụ chiêm xuân năm nay, xã gieo cấy 450 ha, trong đó, diện tích cấy mạ sân và gieo thẳng chiếm 95%, tăng 10-15% so với vụ chiêm xuân năm ngoái, là một trong những xã có diện tích lúa gieo thẳng cao nhất huyện. Ngay từ đầu vụ, xã đã phối hợp với các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân cách ngâm ủ mạ, che phủ ni-lông chống rét cho mạ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Ngoài ra, cán bộ xã thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh và hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả. Nhờ đó, vụ chiêm xuân năm nay, bình quân năng suất lúa đạt 68-70 tạ/ha.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 3.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích cả vụ. Dự kiến, năng suất lúa năm nay của Bình Giang đạt 68-70 tạ/ha, cao hơn vụ xuân trước 2-3 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay và đứng ở tốp đầu về năng suất lúa của tỉnh. Có được kết quả trên là do, ngay từ đầu vụ, huyện Bình Giang đã chủ động khắc phục diện tích mạ chết, chậm phát triển do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại vào đầu tháng 3. Cán bộ nông nghiệp chủ động hướng dẫn nông dân chuyển sang gieo thẳng để bảo đảm khung thời vụ. Nét mới trong vụ chiêm xuân năm nay là Bình Giang có gần 6.000 ha lúa gieo thẳng, chiếm 92% diện tích. Đây là một trong những huyện có tỷ lệ gieo thẳng cao trong tỉnh. Huyện tích cực chỉ đạo nông dân đưa các giống chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, nếp thơm, Nàng xuân, P6, T10, HT1... vào gieo cấy. Để bảo đảm cho lúa lai, lúa chất lượng cao sinh trưởng và phát triển tốt, huyện chỉ đạo nông dân các xã, thị trấn áp dụng các biện pháp thâm canh như: “3 giảm, 3 tăng”, phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, sử dụng phân vi sinh được ủ từ rơm, rạ từ vụ trước để bón thay phân hoá học. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiều mô hình thí điểm một số giống lúa lai và lúa chất lượng cao để nông dân học hỏi. Ngoài ra, huyện chỉ đạo cán bộ nông nghiệp thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn nông dân phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và cách bón phân cho lúa hợp lý. Huyện hỗ trợ 4.000 đồng/kg thóc giống đối với các vùng cấy lúa lai tập trung tại xã Thúc Kháng và Thái Hòa. Hỗ trợ 8.000 đồng/kg thóc giống Bắc thơm số 7 và Nàng xuân. Nhờ đó, diện tích cấy lúa lai và lúa chất lượng cao năm nay của huyện tăng 5-10%.
Vụ tới, huyện Bình Giang tiếp tục đầu tư giống, vốn để mở rộng diện tích một số giống lúa lai, lúa chất lượng cao thành những vùng sản xuất tập trung, áp dụng biện pháp xử lý rơm rạ thừa thành phân hữu cơ bón lúa, tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường. Trong vụ mùa, huyện tập trung mở rộng trà mùa trung và mùa muộn. Ngay từ những ngày này, huyện đã chủ động phối hợp với các công ty giống kịp thời cung cấp đủ giống cho nông dân. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân thu hoạch cắt lúa sát gốc để tránh lúa mùa bị ngộ độc hữu cơ do thời gian chuyển vụ quá ngắn.
LAN ANH