Bình Giang đưa máy móc vào đồng ruộng để nâng cao thu nhập

20/07/2020 13:57

Những năm gần đây, huyện Bình Giang đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển sản xuất tập trung, nâng cao giá trị cây lúa.


Bình Giang hiện có 25 máy cấy

Đến các cánh đồng ở huyện Bình Giang vào thời vụ làm đất, thu hoạch lúa hay mùa cấy đều cảm nhận được phong cách làm việc mới, hiện đại của nông dân nơi đây. Từ làm đất, gieo cấy, đến thu hoạch, vận chuyển, thậm chí cả khâu chế biến và bảo quản đều có máy móc hỗ trợ. Bà Vũ Thị Đường ở xã Long Xuyên cho biết: “Giờ không còn cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau nữa. Có máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy cấy, vào vụ, các gia đình chỉ tập trung vài buổi là xong”.

Với 2 mẫu ruộng chủ yếu cấy bắc thơm số 7 và nếp 415, mỗi vụ, trừ chi phí gia đình ông Nhữ Ngọc Thư ở xã Hùng Thắng thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Ông Thư cho biết: “Làm nông nghiệp bây giờ có máy móc hỗ trợ nên không mất nhiều thời gian, công lao động như ngày trước. Chỉ mấy ngày thời vụ bận rộn, còn lại nông dân rất thảnh thơi”. Có thời gian, gia đình ông mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập. Theo ông Thư, dù thu nhập không cao như công nhân ở các doanh nghiệp nhưng với những người ngoài 50 tuổi như vợ chồng ông, cây lúa vẫn mang lại thu nhập ổn định.

Nhận thấy cơ giới hóa trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại nên huyện Bình Giang đã có cơ chế hỗ trợ hợp lý, kịp thời khuyến khích nông dân đưa máy móc vào đồng ruộng. Năm 2018, khi xây dựng mô hình cấy máy tại 6 xã, huyện hỗ trợ toàn bộ kinh phí thóc giống, 50% kinh phí mua khay, kinh phí mua giá sản xuất 270 khay mạ cấy cho 1 ha tại các thôn có mô hình. Tiếp đó, huyện hỗ trợ 5 HTX dịch vụ nông nghiệp mở rộng diện tích cấy máy ra đại trà với quy mô tập trung trên 10 ha, kinh phí hỗ trợ 60.000 đồng/sào. Vụ chiêm xuân 2020, huyện hỗ trợ các xã cuối cùng trong huyện đưa máy cấy vào sản xuất, mỗi sào được hỗ trợ 135.000 đồng…


Năng suất lúa bình quân của huyện thường đứng tốp đầu trong tỉnh

Theo ông Trần Văn Chuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, việc dùng máy cấy đã tăng năng suất lao động gấp từ 30-40 lần so với cấy bằng tay, giảm chi phí khâu gieo cấy, giảm thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lúa trung bình hơn 30% so với cấy bằng tay.

Toàn huyện hiện có 25 máy cấy, 5 trung tâm sản xuất mạ khay, 239 máy làm đất, 125 máy gặt, 365 máy phục vụ vận chuyển. Năm 2020, Bình Giang gieo cấy hơn 6.000 ha, tỷ lệ làm đất bằng máy đạt 100% diện tích, thu hoạch bằng máy đạt 98% diện tích. Vụ mùa năm 2020, tỷ lệ cấy máy đạt 20% diện tích. Tại một số xã như Hùng Thắng, Long Xuyên, Tân Hồng đã sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sự đồng đều, nông dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.

Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhờ làm tốt việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng nên Bình Giang có những thuận lợi áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện trung bình 1 hộ còn 1,7 mảnh ruộng, mỗi mảnh có diện tích trung bình trên 800 m2, các lô ruộng có chiều rộng trung bình trên 40 m. 

Bình Giang đã thực hiện gieo cấy 90% diện tích lúa chất lượng cao. Huyện xây dựng được các vùng sản xuất lúa tập trung bắc thơm số 7 và nếp 415 với quy mô liên xã có diện tích 4.500-5.000 hạ/vụ. Đây là 2 giống lúa có thị trường tiêu thụ ổn định. Nông dân thu hoạch lúa có thể bán tươi tại đầu bờ mà không cần phơi khô. Hơn nữa, chính chuyển đổi cơ cấy trà lúa, giống lúa quy mô toàn huyện với 2 giống lúa chính là bắc thơm số 7 và nếp 415, giúp Bình Giang dễ dàng áp dụng cấy máy đại trà. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cấy bằng máy đạt 55%.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Giang đưa máy móc vào đồng ruộng để nâng cao thu nhập