Cán bộ và nhân dân ở đây đang chung sức, đồng lòng, triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương...
Nhân dân xóm 30-4, thôn Bỉnh Di tự nguyện phá dỡ tường bao, hiến đất mở rộng mặt đường
Thôn Bỉnh Di, xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) có 7 xóm, 361 hộ dân với trên 900 nhân khẩu. Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), cán bộ và nhân dân ở đây đang chung sức, đồng lòng, triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Vui mở đườngChúng tôi về xóm 30-4, ở thôn Bỉnh Di vào đúng hôm nhân dân ở đây đang giải phóng mặt bằng để mở rộng mặt đường theo tiêu chí nông thôn mới (NTM). Hôm ấy, mặc dù trời lất phất mưa, nhưng mọi người trong xóm không quản ngại, từ già trẻ, gái trai, ai nấy đều vui vẻ, hăng hái với những công việc được giao như: phá tường bao, đẽo gạch, trộn vữa, đào đất, xây tường bao mới... Con đường của xóm dài 230 m, được đổ bê-tông từ năm 2000, mặt đường hẹp và đang dần xuống cấp. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, xóm đã phát động các gia đình hiến đất mở rộng mặt đường. Các gia đình trong xóm 30-4 đã hiến gần 100 m2 đất ở, phá dỡ hàng chục công trình gồm: tường bao, nhà tắm, bếp và di chuyển, chặt bỏ hàng chục cây xanh. Điều đặc biệt ở xóm 30-4 là tất cả các hộ dân bàn bạc, thống nhất mỗi nhân khẩu đóng góp 700 nghìn đồng để xây hoàn trả tường bao và các công trình phụ cho những gia đình đã hiến đất làm đường. Công lao động do người dân trong xóm tự bỏ. Sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng và làm nền đường, xóm sẽ họp các hộ dân bàn bạc, thống nhất mức đóng góp kinh phí để bê-tông con đường, bảo đảm rộng từ 3-3,5 m trở lên, dày 20 cm.
Thôn Bỉnh Di có khoảng 3,5 km đường giao thông thôn, xóm. Tất cả các tuyến đường tuy đã được bê-tông hóa từ những năm trước, nhưng hầu hết chưa đáp ứng được tiêu chí NTM. Vì vậy, cùng với xóm 30-4, các xóm còn lại trong thôn cũng đã và đang tích cực vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí mở rộng mặt đường. Không ít gia đình tự nguyện hiến hàng chục m2 đất ở để làm đường, trong đó có cả các hộ nghèo, gia đình chính sách. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Thấu, một thương binh ở xóm Đống Đậu đã phá dỡ tường bao, tự nguyện hiến 60 m2 đất.
Nâng cao đời sống văn hóa Hơn 10 năm qua, thôn Bỉnh Di luôn duy trì và giữ vững được danh hiệu làng văn hóa. Theo Trưởng thôn Đoàn Văn Hà, cái được lớn nhất trong thực hiện nếp sống văn hóa ở thôn chính là các dòng họ đang hưởng ứng tích cực cuộc vận động lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, trong đó việc tang được thể hiện rõ nhất. Tiêu biểu như dòng họ Vũ. Từ lâu dòng họ này đã quy định không tổ chức ăn cỗ khi có ai đó trong dòng họ mất, không thuê người khóc mướn, không để người chết quá 36 giờ, không thổi kèn quá 21 giờ đêm, không rắc tiền vàng... Hiện nay, nhiều gia đình thuộc các dòng họ khác đã bắt đầu học tập dòng họ Vũ trong thực hiện lành mạnh hóa việc tang. Khoảng 50% số đám ma trong thôn đã lựa chọn việc hỏa táng thay vì địa táng để bảo đảm môi trường.
Năm 2008, thôn Bỉnh Di thành lập Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, hiện nay có 52 thành viên tham gia. Câu lạc bộ hoạt động rất hiệu quả, những năm gần đây trong thôn không để xảy ra vụ việc nào liên quan đến bạo lực gia đình. Thôn còn xây dựng 1 tổ hòa giải, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Vào ngày 25 hằng tháng, thôn tổ chức huy động nhân dân tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang bờ bụi. Các gia đình trong thôn đều có thùng rác, biết phân loại rác ngay tại nguồn. Hầu hết các gia đình không còn chăn nuôi trong khu dân cư mà chuyển ra vùng chuyển đổi...
Kể từ khi tích cực tham gia xây dựng NTM, bộ mặt thôn ở Bỉnh Di đã có nhiều đổi mới. Đến nay, trên 70% số nhà trong thôn được xây dựng kiên cố, cao tầng; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm gần 50%, hộ nghèo còn 6,8%, giảm 4,5% so với năm 2001; thu nhập bình quân đạt 12,7 triệu đồng/người/năm; 100% số hộ được dùng nước sạch, điện chiếu sáng. Năm 2012, thôn được công nhận là làng an toàn về an ninh trật tự.
TIẾN MẠNH