Tôi vẫn nâng niu mảnh giấy chứng sinh và tờ quyết định phân công ra Bắc công tác của mẹ. Giấy chứng sinh do cán bộ trạm xá ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) ghi. Tờ quyết định chuyển công tác của mẹ-một cán bộ y tế đi B ra Bắc có “hành lý” kèm theo là tôi-đứa trẻ vừa sinh ra sau ngày đất nước thống nhất.
Từ cuộc chiến bước ra, cha tôi chuyển ngành, mẹ tôi về quê công tác. Những vất vả gian lao, khó khăn, thiếu thốn dần đi qua. Tôi từ đứa bé đỏ hỏn sinh ra sau chiến tranh giờ đã bước sang tuổi 47, cùng với ngần ấy năm được học hành, lựa chọn và làm công việc mình yêu thích. Càng lớn, được thụ hưởng cuộc sống hòa bình đứa tôi càng thấy thương, trân quý vô cùng những hy sinh của bố mẹ mình và những lớp người đã chiến đấu vì hòa bình.
Chiến tranh đã qua 47 năm, nhưng trong nhiều gia đình, những mất mát, hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu. Sức cha tôi đã ngày càng yếu vì hàng loạt căn bệnh do di chứng da cam để lại. Cha không còn nhớ gì về cuộc chiến nữa rồi. Không còn sôi nổi kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày vất vả vượt Trường Sơn…
Tổ cán bộ y tế tăng cường đi B của mẹ tôi định kỳ vẫn tổ chức gặp mặt. Tôi đã từng được theo mẹ đi cùng các cô chú trở lại thăm chiến trường xưa. Cả chuyến đi là một hành trình pha trộn đẫm nước mắt và niềm vui. Chỉ cần chạm đến những cái tên... là họ khóc. Đây là vùng đất năm xưa đơn vị đóng quân; xa xa kia là ngọn đồi cả đơn vị rút vào bám trụ chiến đấu.
Nước mắt nhiều vô kể khi họ nhắc lại với nhau từng kỷ niệm trong mỗi chuyến đi về nguồn. Niềm vui trở lại trên gương mặt những chiến binh ngày nào khi thấy mảnh đất chiến trường xưa đã thay da đổi thịt đến chóng mặt. Vẫn là vùng đất ấy mà nay khách sạn, nhà hàng, dân cư đông đúc. Họ lại hẹn nhau còn khỏe là còn gặp gỡ, còn đi cùng nhau thăm lại chốn xưa.
Nhưng, hằng năm, bố mẹ tôi, các cô, các bác-lớp người đã một thời bước ra từ cuộc chiến đang dần thưa vắng. Giờ đây họ đã thành ông, thành bà và tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu. Có cô nhiều năm sống một mình giờ vẫn cô đơn vì di chứng của chiến tranh đã không thể sinh nở, dù chỉ một mụn con. Có cô chú đúng hẹn ước về lấy nhau sau khi đất nước thống nhất, vẫn ân cần bên nhau dù chú đã thành thương binh, cũng không thể có con. Nỗi cô độc ấy của họ là vết cứa do chiến tranh để lại, mãi mãi không thể xóa nhòa...
Giữa những ngày tháng tư này, xem ti vi, mẹ tôi lại ngồi lặng đi khi thấy cảnh xung đột ở Ukraine, người già, trẻ em dắt díu nhau đi tản cư. Từ cuộc chiến bước ra, mẹ hiểu thế nào là sự khắc nghiệt của chiến tranh, thế nào là chia ly vì bom rơi đạn nổ.
Hòa bình đang cho chúng tôi cuộc sống khác hẳn với thời thanh xuân của mẹ. Hòa bình cũng cho chúng tôi biết mình còn may mắn hơn vô số người con khác vì vẫn được có bố mẹ, được lành lặn và có cơ hội phát triển bình thường khác hẳn nhiều bạn bè cùng trang lứa không may phải gánh chịu di chứng chất độc da cam từ cha hoặc mẹ-những người lính đã cùng chiến đấu như cha mẹ tôi.
Những ngày cuối tháng tư này, bỗng dưng tôi cứ hình dung thấy cảnh mẹ tôi khoác ba lô sờn, tay bồng con nhỏ, bỏ lại sau lưng cuộc chiến, đi về phía quê nhà. Nước mắt tôi rơi khi chạm vào những kỷ vật của mẹ, nhưng càng nhớ về điều đó, tôi càng biết ơn hơn, trân quý hơn hòa bình mà bao lớp người như cha mẹ đã đổ máu để giữ gìn.
THU MINH