Ẩm thực

'Biến tấu' của bánh chưng

PV 27/01/2025 07:55

Từ bánh chưng truyền thống với gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn, hành, vài năm gần đây, một số nhà hàng, người dân đã chế biến bánh chưng từ nhiều loại gạo và nhân khác nhau.

banh- chung 8
Ngoài bánh chưng xanh, nhân thịt đỗ thông thường, một số nhà hàng đã biến tấu ra nhiều loại, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng

Đa dạng

Đây là năm thứ 2, Nhà hàng Viên Minh chay (TP Hải Dương) gói bánh chưng chay với 3 loại gồm bánh nhân nấm, gạo lứt và loại đặc biệt.

Bánh nhân nấm bên ngoài là gạo nếp cái hoa vàng, bên trong nhân được làm từ nấm sò hương, nấm hương, hạt sen, hạt điều, muối hồng, nước mắm chay, hạt tiêu. Còn bánh gạo lứt, thay vì làm bằng gạo nếp, nhà hàng thay bằng gạo lứt với màu tím đặc trưng, nhân bánh có thêm đậu năng, đậu gà. Loại đặc biệt có nhiều điểm giống với bánh nấm nhưng nhân có thêm nguyên liệu là đông trùng hạ thảo, nấm notaky, namiko… Giá mỗi loại bánh từ 60.000 - 80.000 đồng/chiếc, riêng bánh đặc biệt có giá 120.000 đồng/chiếc.

banh -c hung 9
Bánh chưng gạo lứt được nhiều người ưa chuộng bởi màu sắc khá hấp dẫn

Chị Nguyễn Thị Phương Hiền, chủ Nhà hàng Viên Minh chay cho biết gần đây nhiều người lựa chọn thực phẩm chay để thay đổi khẩu vị, nhất là trong dịp Tết.

Để gói bánh chưng chay, Nhà hàng Viên Minh chay cũng có những bí quyết riêng. Với gạo nếp cái hoa vàng, trước khi gói bánh cần thêm chút nước giềng xay trộn vào gạo cho thơm và khi nấu lên vỏ bánh sẽ xanh hơn. Với gạo lứt, phải ngâm trong 8 tiếng, dài hơn gạo nếp cái hoa vàng 2 tiếng để gạo nhuyễn khi nấu. Lá dong gói bánh phải là lá dong nếp, không được quá già, không quá non để khi lên bánh có mùi thơm và xanh đều.

Bà Phạm Thị Hiền, một người gói bánh chưng tại Nhà hàng Viên Minh chay cho biết: "Để làm ra một chiếc bánh, nhà hàng cũng phải thử nhiều lần, nhất là tạo nhân bánh. Chúng tôi mong muốn khi thưởng thức, khách hàng sẽ cảm nhận được hương vị chung của chiếc bánh đó nhưng vẫn có hương vị riêng của từng nguyên liệu có trong nhân bánh. Nhân bánh, vỏ bánh được thực hiện theo công thức để tránh tình trạng vỏ bánh dày, nhân ít và ngược lại".

banh - chung 7
Năm nay, Nhà hàng Viên Minh chay (TP Hải Dương) gói khoảng 200 chiếc bánh chay

Không chỉ nhà hàng, nhiều gia đình thay vì chỉ gói một loại truyền thống thì đã biến tấu các nguyên liệu để có nồi bánh chưng phong phú hơn. Mỗi năm, gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Tất Thượng (xã Lạc Phượng, Tứ Kỳ) gói khoảng 20 chiếc bánh. Trong số này có chục chiếc là bánh truyền thống, 5 chiếc bánh nhân đường, còn lại bánh gấc.

Với bánh nhân đường, thay vì dùng thịt và hành, bà Hạnh lại dùng đường đen trộn với đỗ, đánh nhuyễn để làm nhân. Với bánh gấc, bà trộn thêm gấc vào gạo làm cho bánh khi chín có màu vàng, nhìn đẹp mắt.

"Mỗi người trong gia đình có sở thích khác nhau nên tôi gói nhiều loại. Dù làm như vậy nhưng không quá phức tạp, vất vả", bà Hạnh cho biết.

Ưa thích

banh - chung 6
Bánh chưng chay có giá từ 60.000 - 120.000 đồng/chiếc, tùy từng loại

Những năm gần đây, nhu cầu sắm Tết, thưởng thức ẩm thực của người dân có những thay đổi. Nhiều gia đình mua sắm, chuẩn bị Tết từ sớm. Theo chị Phương Hiền, từ ngày 20 tháng chạp, nhà hàng đã tổ chức gói bánh. Bánh ra lò đến đâu, đều có người đặt đến đó. Nhiều người đặt vài ba chiếc về ăn và biếu người thân, tặng bạn bè. Năm nay nhà hàng gói 200 chiếc bánh chay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Được thưởng thức bánh chưng chay, chị Phạm Thị Tâm ở thôn Tất Thượng, xã Lạc Phượng (Tứ Kỳ) cho biết bánh có mùi thơm dịu nhẹ, nhân nấm ăn lạ miệng, không bị ngán.

"Năm trước gia đình tôi đã được ăn thử nên năm nay mua 1 cặp về. Các con tôi rất thích bởi mùi vị hấp dẫn", chị Tâm nói.

banh - chung 5
Ngoài bánh chay, một số gia đình còn gói bánh chưng đường, bánh chưng gấc

Dù mới lạ nhưng bánh chưng chay vẫn không thể thay thế được bánh chưng truyền thống. Vì thế, nhiều gia đình vẫn kết hợp 2 loại bánh này trên cùng mâm cỗ.

Mỗi lần nhận bánh được mẹ gửi lên, chị Thanh Hiền (phường Việt Hòa, TP Hải Dương) rất thích. Chị Hiền chia sẻ: "Ngoài việc thỏa mãn sở thích ăn bánh đường, tôi còn cảm nhận được tình cảm của bố mẹ trong từng chiếc bánh. Vì sở thích đó mà năm nào bố mẹ tôi cũng dành thời gian chuẩn bị, cặm cụi gói từng chiếc bánh cho con cháu".

Bánh chưng là món ăn truyền thống, không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam. Với sự biến tấu đa dạng, mâm cỗ ngày Tết sẽ có thêm nhiều hương vị thơm ngon.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Biến tấu' của bánh chưng