Trước đây ta đã làm là vận động các đoàn thể quan tâm phối hợp đào tạo nghề; giúp đỡ họ về giống, vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo…
Tại cuộc họp thôn triển khai xây dựng nông thôn mới, bàn về biện pháp giảm nghèo, đồng chí trưởng thôn nêu vấn đề:
- Đề nghị các đồng chí đề xuất các biện pháp giảm nghèo?
Đại biểu A:
- Thì như trước đây ta đã làm là vận động các đoàn thể quan tâm phối hợp đào tạo nghề; giúp đỡ họ về giống, vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo…
Đại biểu cao tuổi B:
- Vậy đối với những hộ nghèo thuộc đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi không có khả năng lao động cần giúp đỡ họ ra sao? Đối tượng này chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Cả hội trường im lặng. Đồng chí trưởng thôn tiếp lời:
- Chắc đồng chí đã có giải pháp?
Đại biểu cao tuổi B:
- Theo tôi, đối với hộ cao tuổi, không còn khả năng lao động thì ta cần vận dụng Luật Người cao tuổi để giáo dục, yêu cầu con cái phải có trách nhiệm với bố mẹ, hằng tháng phải chu cấp phụng dưỡng bố mẹ bảo đảm tổng thu trên mức quy định hộ nghèo. Đối với hộ khuyết tật, đau yếu thì vận động người thân trong gia đình có trách nhiệm đùm bọc giúp đỡ, không được tách họ ra ở riêng. Tôi biết, thực tế có nhiều gia đình, thậm chí có cả gia đình đảng viên chỉ vì muốn được công nhận hộ nghèo để nhận chế độ ưu đãi của Nhà nước nên con cái tách bố mẹ, anh tách em ra ở riêng mặc dù biết rằng người thân của mình không còn khả năng lao động, thậm chí không có khả năng tự phục vụ. Đây là việc làm đi ngược đạo lý của dân tộc, cần lên án!
Đại biểu C đứng dậy nói:
- Nhưng họ muốn ở riêng thì làm thế nào?
Đại biểu cao tuổi B:
- Tôi xin hỏi đồng chí: Trời rét, đang nằm trong chăn ấm, đồng chí có muốn đi ra ngoài không? Tôi tin là không, trừ khi trong chăn có rận!
- Cả hội trường vỗ tay.
QUỐC ĐÔNG