Nhiều quốc gia châu Á đang triển khai các biện pháp nhằm xử lý tình trạng lạm phát tăng cao sau khi xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gây hiệu ứng domino đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Malaysia
Tại Malaysia, nơi lạm phát lương thực đang ở mức 5,2%, cao nhất trong 11 năm, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob hôm 3.7 thông báo rằng chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao.
Theo đó, Chính phủ Malaysia sẽ mở một gói hỗ trợ cao nhất trong lịch sử nước này, tương đương với 70 tỷ ringgit (khoảng 370.000 tỷ đồng) để kiềm chế giá xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng cũng như giá dầu ăn, bột mì và điện.
Cơ quan chức năng đã phân bổ hơn 700 triệu ringgit để duy trì giá trần thịt gà là 9,40 ringgit/kg (khoảng 50.000 đồng), trong khi tăng gần gấp đôi khoản trợ cấp giá dầu ăn so với năm ngoái, lên 4 tỷ ringgit.
Sau hai đợt phát tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, Thủ tướng Ismail cho biết có thể tổ chức đợt phát thứ ba.
Thái Lan
Lạm phát của Thái Lan đang ở mức cao nhất trong 14 năm, đã vượt mốc 7% vào tháng 5.
Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) sẽ thành lập một nhóm chuyên gia đặc biệt để giải quyết cuộc khủng hoảng nhiên liệu và lương thực của đất nước tại cuộc họp ngày 4.7.
Tổng thư ký NSC Supot Malaniyom cho biết nhóm nghiên cứu và các cơ quan liên quan sẽ giải quyết khủng hoảng theo ba giai đoạn kéo dài đến cuối năm sau. Kế hoạch trên đặc biệt tập trung vào tình trạng giá nhiên liệu tăng cao vốn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực giao thông vận tải và làm trầm trọng thêm lạm phát ở quốc gia này. "NSC sẽ tập trung ngăn chặn tình trạng khan hiếm nhiên liệu", trang tin The Nation dẫn lời ông Malaniyom.
Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith cho biết chính phủ sẽ tìm cách tăng lương cho nhân viên trong lĩnh vực tư nhân để theo kịp với các chi phí gia tăng.
Ngoài ra, ông Arkhom dự báo lạm phát của Thái Lan vẫn duy trì ở mức cao cho đến hết năm nay. "Nền kinh tế Thái Lan đang chịu tác động không chỉ từ dịch COVID-19 mà còn cả lạm phát cao do chiến tranh tại Ukraine. Lạm phát năm nay khó có thể giảm xuống như những năm trước".
Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự kiến tăng lãi suất vào tháng tới.
Hàn Quốc
Từ tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc đã dỡ bỏ thuế phí từ 22,5-25% đối với 50.000 tấn thịt lợn nhập khẩu nhằm giảm giá thành sản xuất thịt lợn tới 20%.
Theo dữ liệu từ Viện Đánh giá Chất lượng Sản phẩm Động vật Hàn Quốc, giá thịt lợn trung bình ở quốc gia này đã tăng gần 15% trong tháng trước lên 2.911 won/lạng (khoảng 62.000 đồng). Những người trong ngành này cho biết giá thịt lợn đã tăng vọt do ảnh hưởng từ tình hình Ukraine và lạm phát trong nước.
Một nhân viên tại Hiệp hội Thịt lợn Hàn Quốc cho biết: "Ngô chiếm một nửa lượng thức ăn của lợn. Nhưng xung đột tại Nga – Ukraine (hai nhà cung cấp ngô và lúa mì lớn nhất thế giới) đã gây thiếu hụt ngũ cốc, đẩy giá thức ăn gia súc lên cao hơn".
Ngoài ra, còn có 6 mặt hàng khác cũng được dỡ bỏ thuế quan cho đến cuối năm, trong đó có dầu hướng dương và lúa mì. Một số thực phẩm chế biến đơn giản như kim chi sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất lên 1,75% vào tháng 5 để giảm lạm phát đạt mức cao nhất trong 14 năm. Lạm phát tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng lên 5,4% và tỷ lệ tháng 6 được dự kiến sẽ vượt 6%.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, giá tiêu dùng lõi tăng 2,1% so với cùng kỳ tháng 5 năm ngoái. Mức tăng đột biến trên là cao nhất trong bảy năm qua.
Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ có kế hoạch giảm bớt tác động của tăng giá điện bằng cách trao thưởng cho các hộ gia đình tiết kiệm điện.
Một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ đã nhóm họp lần đầu tiên vào tháng trước để giải quyết lạm phát. Các biện pháp khẩn cấp trị giá 13.000 tỷ yên (134,2 tỷ đô la Singapore), một phần được tài trợ bởi khu vực tư nhân, sẽ được thực hiện để đối phó với giá lúa mì, phân bón, thức ăn chăn nuôi và năng lượng tăng cao.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy phần lớn công chúng không hài lòng với phản ứng của chính phủ đối với giá cả leo thang. Cách kiểm soát chi phí sinh hoạt được cho là sẽ trở thành một vấn đề chính trong cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 10/7 tới.
Ông Kishida cho biết chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng mức lương tối thiểu trung bình lên ít nhất 1.000 yên/giờ trong năm tài chính hiện tại.
Bangladesh
Tại Bangladesh, giá gạo đã tăng 9% trong tháng trước sau khi lũ lụt và thời tiết bất lợi ở các vùng của nước này ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.
Chính phủ đã cấp phép cho 95 công ty lương thực nhập khẩu 409.000 tấn gạo vào giữa tháng 8 để hạ giá. Ngoài ra, Dhaka sẽ giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống 25,75% đến hết tháng 10.
Pakistan
Tại Pakistan, lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 21,3% vào tháng trước, mức cao nhất trong hơn 13 năm.
Giá nhiên liệu, hydrocacbon hóa lỏng và điện đã tăng mạnh theo thời gian, với giá nhiên liệu động cơ tăng ít nhất 95%.
Giá nhiên liệu đã tiếp tục tăng từ tuần trước sau khi chính phủ áp thuế xăng dầu để giảm thâm hụt tài chính. Ngân hàng Nhà nước Pakistan đã nâng lãi suất chính sách thêm 400 điểm cơ bản trong năm nay.
Theo Báo Tin tức