Biến nghị quyết thành hành động: Bài 4: Khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương là gì?

14/12/2020 12:02

Khát vọng lớn nhất của Hải Dương là phát triển trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 để tạo ra tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới. Chúng ta không chịu thua kém các tỉnh có điều kiện tương đồng.



Phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là một trong bốn trụ cột phát triển của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Trong ảnh: Sản xuất túi đựng tự phân hủy thân thiện với môi trường tại Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát

Khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương được thể hiện đậm nét trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, phương hướng, mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Phát huy dân chủ, ý chí, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững. Cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao (CNC) và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng CNC và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Khát vọng của tỉnh, thành phố bạn

Chúng ta cần biết khát vọng của mình, song cũng cần nhìn rộng ra để thấy khát vọng của các tỉnh, thành phố bạn là gì?

Với TP Hải Phòng đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Phát triển công nghiệp CNC với các ngành mũi nhọn, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp; xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Đến năm 2025 hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thu nhập bình quân đầu người đạt 14.000 USD/năm. 

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt 15.000 USD. 

Định hướng đến năm 2030, xây dựng tỉnh Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, CNC; là một trong những trung tâm thương mại-dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng thủ đô và cả nước. 

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới nằm trong số 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước.

Tỉnh Hưng Yên đề ra mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.

Đến năm 2025, tỉnh Thái Bình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng; năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu trong khu vực Bắc Bộ.

Một số khái niệm và hướng tiếp cận

Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) định nghĩa: Tăng trưởng xanh là chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường. Đó là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái. Cách tiếp cận này tìm kiếm sự hài hòa về tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội.

Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số, dữ liệu để tạo ra mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình hoạt động theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại, sử dụng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.

Về cơ bản, đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Nói một cách ngắn gọn, đô thị thông minh là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt.

Nông nghiệp ứng dụng CNC là một nền nông nghiệp được ứng dụng, kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại (CNC) vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá về năng suất lao động, năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp ứng dụng CNC gồm 5 nhóm công nghệ sau: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp; kỹ thuật canh tác nuôi trồng, bảo quản; sản xuất cây trồng, vật nuôi an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt GAP (VietGAP, GlobalGAP...), áp dụng thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); công nghệ tự động hóa; công nghệ thông tin.

 Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

Thế nào là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh công nghiệp hiện đại?

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta là một quá trình nên khái niệm không bất biến mà có những biến thái nhất định theo điều kiện lịch sử phát triển cụ thể từng thời kỳ. Khi xem xét, đánh giá phải so sánh theo thời gian và không gian trong bối cảnh quốc tế, so sánh trên thế giới tại thời điểm đó.

Theo tiêu chí tỉnh công nghiệp hiện đang được đa số các tỉnh (trong đó có Bắc Ninh, Quảng Ninh) sử dụng để đánh giá mục tiêu hoàn thành “tỉnh công nghiệp” cơ bản tương đồng với đề tài khoa học cấp tỉnh từ năm 2010. Ngày 8.6.2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1473/QĐ-UBND về việc áp dụng hệ thống chỉ tiêu tỉnh công nghiệp, gồm 9 chỉ tiêu mục tiêu. Đến năm 2020, tỉnh đã hoàn thành 8/9 mục tiêu, gồm: tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người; tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên tổng số lao động; tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trên tổng số lao động; hệ số bất bình đẳng phân phối thu nhập (GINI); chỉ số phát triển con người (theo cách tính cũ). Còn lại chỉ tiêu “Tỷ lệ dân số thành thị đạt trên 40%” là chưa hoàn thành (dự kiến hoàn thành trước năm 2025).

Hiện nay, quan điểm về nước công nghiệp có một số thay đổi để phù hợp hơn với xu hướng phát triển toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mục tiêu công nghiệp hóa cao hơn, bổ sung các tiêu chí đổi mới sáng tạo, môi trường. Ví dụ, như nghiên cứu mới nhất (năm 2018) trong Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KX.04/16-20 do Hội đồng Lý luận Trung ương làm chủ nhiệm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội là cơ quan chủ trì trực tiếp nghiên cứu, cho rằng nước công nghiệp theo hướng hiện đại gồm các tiêu chuẩn: Thu nhập quốc dân (GNI) tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt từ 12.000 USD/người trở lên; tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội từ 20% trở xuống; chỉ số phát triển con người HDI bằng hoặc lớn hơn 0,8; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) bằng hoặc lớn hơn 53,1%; chỉ số chất lượng môi trường (EPI) bằng hoặc trên 55%.

Do vậy, đặt mục tiêu “đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp” nếu nhìn nhận theo quan điểm cũ thì sẽ đạt được; nếu nhìn nhận theo quan điểm mới, tiến bộ hơn thì tỉnh ta có thể đạt 3/5 tiêu chí (chắc chắn đạt tiêu chí thu nhập và tỷ lệ lao động; chỉ số đổi mới sáng tạo và chỉ số chất lượng môi trường hiện nay chưa tính được).

Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và là tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 theo định hướng phát triển của Trung ương.

Tạo nền tảng để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên; thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước là 1,75 lần; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành (các quận) đạt 90%.

Theo tiêu chí trên, Hải Dương cần có 8/12 đơn vị hành chính cấp huyện đạt tiêu chí "quận" và 100% số đơn vị hành chính cấp xã của “quận” đạt tiêu chí “phường”. Tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm của tỉnh hiện chỉ ngang bình quân cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII chưa xác định cụ thể đến năm bao nhiêu sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đưa ra định hướng lớn để phấn đấu. Nếu tỉnh ta thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại thì chắc chắn sẽ tạo dựng cơ sở vững chắc để hướng tới mục tiêu cao hơn là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hiểu rõ và cùng đồng lòng chung sức để sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh, phải thể hiện được quyết tâm Hải Dương không chịu thua kém các tỉnh khác có điều kiện tương đồng.

PHẠM XUÂN THĂNG
Bí thư Tỉnh ủy

(0) Bình luận
Biến nghị quyết thành hành động: Bài 4: Khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương là gì?