Trong lịch sử, sự đoàn kết quyết tâm “trên dưới một lòng” đã giúp dân tộc vượt qua nhiều thử thách và giành nhiều thắng lợi.
Trong bài phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng 10.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại (tròn 1 năm trước, Thủ tướng đã phát biểu ý này trước Quốc hội ngày 8.11.2019): “Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất của chúng ta không phải là tụt hậu về kinh tế; mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động”.
Lời phát biểu của Thủ tướng khiến tôi nhớ đến những năm đầu Đảng ta khởi xướng công cuộc Đổi mới đất nước. Khi đó, tôi còn nhỏ, hiểu biết chính trị còn hạn chế nhưng vẫn thuộc nằm lòng câu đầu tiên là “Đổi mới tư duy”, tiếp đó là khẩu hiệu mà nhân dân truyền miệng “Nói Và Làm” vốn từ những bài báo có bút danh NVL của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đến nay, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Và như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đó là cả một chặng đường đầy khó khăn, không phải chỉ cải cách một lần mà phải nhiều lần của các thế hệ đi trước trong nhiều giai đoạn. Điều quan trọng là chúng ta đã biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.
Mỗi một giai đoạn đều có cơ hội và thách thức mới. Nhìn lại nhiệm kỳ 2016 - 2020, Việt Nam đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường Formosa; sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc; bão lũ, ngập lụt ở miền Trung… song Thủ tướng đã dẫn chứng tạp chí The Economist tháng 8.2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, với tăng trưởng bình quân 6,8% một năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá, mà trong phát biểu của mình, Thủ tướng đã mô tả bằng từ “kiên cường”.
Khẳng định mọi thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng và an ninh, là thành quả và quyết tâm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực của gần 100 triệu người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, quyết nghị của chúng ta. Ý Đảng - lòng dân chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên”.
Với tinh thần, ý chí và khát vọng ấy, Thủ tướng phát biểu: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với tinh thần, trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một mô hình phát triển thịnh vượng toàn diện, bao trùm của chính chúng ta. Đó là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nơi mà mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Để xây dựng một đất nước thịnh vượng, hùng cường, ngay từ đầu bài phát biểu, Thủ tướng đã chỉ ra nguồn năng lượng cực lớn ở thế hệ trẻ hiện nay, cần hun đúc tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cho thế hệ trẻ. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, tạo nhiều việc làm mới cho khu vực này thông qua những dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân. Cần có cơ chế thu hút nhân tài, kể cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.
Hết sức cầu thị, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng đã nêu một loạt các giải pháp để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân; để nền kinh tế Việt Nam năng động sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững. Các vấn đề giáo dục; y tế; chăm lo cho người có công, người nghèo, người già; bảo vệ phụ nữ và trẻ em; phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc… cũng có những giải pháp khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm. Đặc biệt, cùng với quyết tâm bảo vệ rừng một cách nghiêm ngặt, Thủ tướng đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị.
Bên cạnh các dự án lớn của quốc gia về kết cấu cơ sở hạ tầng, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Việc tập trung bao phủ và nâng cấp hạ tầng viễn thông, trước mắt là mạng 5G để người dân ngày càng tiếp cận với Internet tốc độ cao, kể cả ở những vùng nông thôn, nhanh chóng thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển đổi số quốc gia đưa một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam đi tắt, đón đầu và vượt lên so với các nước trong khu vực.
Có thể thấy, không chỉ có mong muốn, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, mà trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta ngày càng sáng tỏ con đường đi lên của đất nước với những lộ trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể. Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bởi vậy, quyết tâm hành động là điều quan trọng nhất với tất cả chúng ta lúc này.
TRẦN NGỌC TÚ