Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để tiến tới chấm dứt bệnh lao

24/03/2020 09:02

Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây lan, nhưng công tác phòng chống bệnh lao hiện gặp nhiều khó khăn do chưa được quan tâm đúng mức.


 Khám cho bệnh nhân lao kháng đa thuốc tại Bệnh viện Phổi Hải Dương

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách. Đây là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh truyền nhiễm. Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao 24.3 của Việt Nam năm nay là: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”.

Nhìn từ dịch bệnh Covid-19

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống dịch Covid-19, mọi người hãy chung tay, tích cực hơn nữa trong phòng chống bệnh lao. Hiện số người tử vong hằng năm do lao còn cao hơn nhiều so với số người tử vong do tai nạn giao thông. Lao là một bệnh lây nhiễm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, sự chung tay của các cấp, các ngành và cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện.

Cơ chế lây của bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước nhỏ hơn 5 micro mét, lại có khả năng thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, Covid-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2018 ước tính Việt Nam có 11.000 người chết vì bệnh lao và có thêm 2.000 người chết vì lao/HIV. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh lao có thể được ngăn ngừa bằng vaccine trong khi bệnh do Covid-19 vẫn chưa tìm được vaccine phòng ngừa.

Phòng chống lao vẫn còn nhiều khó khăn

Phòng chống lao là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia nhưng vài năm gần đây kinh phí cho công tác này bị cắt giảm. Đây cũng là nguyên nhân khiến truyền thông trực tiếp về phòng chống lao tại Hải Dương rất ít được triển khai dù việc này từng phát huy hiệu quả. Các tài liệu truyền thông cấp về tuyến tỉnh, huyện, xã cũng rất hạn chế. Từ năm 2018, Bệnh viện Phổi Hải Dương đã phải tận dụng, khai thác tài liệu từ những năm trước đó để sử dụng. Do không có kinh phí nên bệnh viện cũng không tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phòng chống lao ở tuyến huyện. Vì vậy, nhiều cán bộ, nhân viên y tế chỉ được tiếp cận chương trình phòng chống lao từ những người làm công tác này trước đó. Chưa kể dự kiến thời gian tới, Chương trình chống lao quốc gia sẽ không hỗ trợ thuốc điều trị bệnh lao mà các địa phương phải tự bố trí kinh phí. Bệnh viện Phổi Hải Dương đang làm các tờ trình báo cáo Sở Y tế, UBND tỉnh về vấn đề này.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta phát hiện 174 bệnh nhân lao, trong đó có 7 ca lao kháng thuốc. Hiện toàn tỉnh đang điều trị cho khoảng 1.400 bệnh nhân lao, 48 trường hợp lao kháng thuốc. Vẫn còn nhiều bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ lây lan trong cộng đồng.

Khoa Lao kháng thuốc-HIV (Bệnh viện Phổi Hải Dương) đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân lao, trong đó có 4 trường hợp lao kháng thuốc, 2 trường hợp lao kháng đa thuốc. Số bệnh nhân lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế chiếm từ 5-10% số bệnh nhân trong khoa. Ngoài tiền thuốc được hỗ trợ hoàn toàn, những bệnh nhân này phải thanh toán chi phí xét nghiệm, thăm khám, tiền giường bệnh... Đa số bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn nên đây là gánh nặng lớn với họ.

Nhiều bệnh nhân lao được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Ngoài lao, họ còn mắc một số bệnh lý khác như tim mạch, đái tháo đường... nên thời gian điều trị kéo dài. Một số bệnh nhân lao kháng thuốc thường tự ý bỏ điều trị vì thời gian chữa trị kéo dài, cộng với nhiều tác dụng phụ khi dùng thuốc. Khó khăn phát sinh hiện nay là do dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp nên việc mua khẩu trang chuyên ngành, đồ bảo hộ cho các y, bác sĩ làm công tác phòng chống lao gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Vũ Văn Sơn, Phó Trưởng Khoa Lao kháng thuốc-HIV (Bệnh viện Phổi Hải Dương), mọi người cần nâng cao nhận thức về bệnh lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm hơn nữa, hành động quyết liệt của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Chủ động khám sàng lọc tại cơ sở, giúp phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng. Từ đó góp phần chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như mục tiêu đề ra.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để tiến tới chấm dứt bệnh lao