Biển gọi

21/06/2022 08:36

Thịnh là nhà báo, phụ trách mảng phóng sự - điều tra nên những chuyến công tác dài ngày diễn ra như cơm bữa. Nhiều lần vợ Thịnh vùng vằng: “Nhà chứ có phải quán trọ đâu mà thích đi thì đi, thích về thì về. Em đánh dấu đỏ trên lịch kia kìa, anh xem một tháng mình ở nhà được mấy ngày với vợ?”.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Thịnh là nhà báo, phụ trách mảng phóng sự - điều tra nên những chuyến công tác dài ngày diễn ra như cơm bữa. Nhiều lần vợ Thịnh vùng vằng: “Nhà chứ có phải quán trọ đâu mà thích đi thì đi, thích về thì về. Em đánh dấu đỏ trên lịch kia kìa, anh xem một tháng mình ở nhà được mấy ngày với vợ?”. Thịnh cười cười, xoa xoa vai vợ để làm dịu cơn giận dỗi của nàng: “Thôi mà! Nghề nó như vậy thì biết làm sao...”. Vợ Thịnh vẫn bực bội: “Lương thì ba cọc ba đồng, hay anh chuyển nghề đi”. Thịnh xịu mặt, buông tay khỏi bờ vai của vợ. Anh im lặng. Không biết đây là lần thứ mấy, vợ Thịnh đưa ra yêu sách ấy. Thịnh thấy buồn, thấy mình không được vợ cảm thông, thấy mấy đồng lương còm của mình bị vợ coi thường. Giận nhau, không nói chuyện, mỗi người ngủ một nơi.

Linh, vợ anh không muốn chồng tiếp tục theo nghề nhà báo, nay đây mai đó, đi sớm về khuya. Linh muốn chồng ở nhà, mở cửa hàng ăn để kinh doanh, để làm giàu. Bố mẹ Linh có một chuỗi cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh nên kinh tế khá giả gấp nhiều lần nhà Thịnh. Thịnh tự trọng, không xin, không vay, tự thuê nhà ở riêng, không đời nào chịu gò bó hay ngồi yên một chỗ theo sự chỉ đạo của vợ. Máu lãng du đã hằn sâu trong anh kể từ khi anh quyết tâm theo đuổi nghề viết. “Mất bao nhiêu công sức ăn học, tâm huyết với nghề, bỏ là bỏ thế nào, em chỉ thiển cận”. “Phải, tôi thiển cận, anh cứ ôm lấy máy ảnh của anh cũng no đấy. Lương ba cọc ba đồng thì vợ làm sao dám đẻ. Anh đi suốt ngày, hú hí với con nào tôi cũng chẳng ai biết”. “À, hóa ra cô cố tình không chịu sinh con. Cô không tin tưởng tôi. Vậy chúng ta lấy nhau để làm gì?”... Cuộc khẩu chiến giữa hai vợ chồng chỉ chấm dứt khi Thịnh quơ vội mấy bộ quần áo tống vào ba lô rồi bắt xe khách lên đường, mặc Linh gào theo chát chúa: “Anh đi đi, đừng về cái nhà này nữa!”.

Mỗi lần có chuyện buồn hay thất bại là Thịnh lại về với biển quê nhà, dù anh sống và làm việc ở thành phố đã gần chục năm rồi. Anh đã từng đi nhiều bãi biển khác nhau khắp mọi miền đất nước nhưng biển quê anh vẫn có một sức hút lạ kỳ. Đó là một bãi biển ở tận miền Trung xa xôi, nơi anh cất tiếng khóc chào đời, nơi tuổi thơ anh in dấu bao kỷ niệm. Từ ngày mẹ mất, cha lấy vợ kế thì Thịnh ít về thăm nhà. Lần này anh về một mình. Về với biển để trút bỏ những ưu phiền, để lòng yên tĩnh, để bình tâm nghĩ về cuộc hôn nhân của mình đang có nguy cơ tan vỡ vì những lý do chẳng đâu vào đâu.

Vùng biển quê anh vẫn còn hoang sơ nên các dịch vụ mọc lên chưa nhiều. Nhà hàng, khách sạn lưa thưa nhưng cảnh biển thì đẹp như một bức tranh thủy mặc. Thịnh vẫn ngồi yên lặng trên bãi biển lúc chiều tà. Hoàng hôn đỏ ối phía chân trời, ánh xuống mặt biển những sắc màu lóng lánh. Trước mắt Thịnh là không gian bao la khiến tầm mắt của anh được giải phóng.

Trời nhá nhem tối, Thịnh đứng lên, quàng vội chiếc ba lô lên vai, bước nhanh về phía đường phố. Bất ngờ anh ngã chúi đầu về phía trước vì vấp phải hòn đá nằm chình ình giữa bãi cát. Một người đàn bà bán hàng rong chạy lại, tíu tít:

- Anh gì ơi, anh có làm sao không? Có đau lắm không? Chết thật! Đi đứng phải cẩn thận chứ. Bãi biển đang quy hoạch, nhiều đá lổn nhổn chưa dọn sạch đâu. Đây, em có lọ dầu nhạy lắm, bôi vào là đỡ liền nghe!

Thịnh giật mình ngẩng lên vì giọng nói rất đỗi thân quen:

- Chanh! Đúng là em rồi! Sao em lại ra đây bán hàng rong thế này? - Thịnh ngồi bệt xuống bãi cát, xuýt xoa, nhăn nhó.

Chanh đỏ bừng mặt vì nhận ra người quen. Xưa kia, Thịnh và Chanh học cùng trường cấp hai, Thịnh học trên Chanh một lớp, vừa đàn hay vừa thổi sáo giỏi nên Chanh mê lắm, lòng thầm yêu trộm nhớ mà không dám thổ lộ. 

- Để em xoa dầu cho chân anh khỏi sưng - Chanh vừa mở lọ dầu vừa đon đả.

Thịnh ngẩng lên nhìn Chanh. Vẫn gương mặt tròn, nước da rám nắng đặc trưng của người phụ nữ vùng biển, đặc biệt là đôi mắt sáng long lanh đã khiến anh có cảm tình nhưng Thịnh lên phố học, còn Chanh bỏ dở việc đèn sách. Bản tính của một nhà báo ưa quan sát và tìm hiểu như Thịnh khiến anh tò mò:

- Chanh bán hàng ở bãi biển này lâu chưa? Thu nhập có ổn không?

- Nửa năm nay rồi. Cũng sống tạm anh à! Mình em thì không lo đói lo khát nhưng em còn mẹ chồng già cả và hai đứa nhỏ.

- Thế chồng em làm nghề gì?

- Chồng em mất rồi.

Thịnh sững lại:

- Anh xin lỗi... Anh không biết...

- Dạ! Không có chi! Chồng em đi biển, không may bị lật thuyền vì giông bão. Xưa em bán cá ngoài chợ nhưng từ khi chồng mất thì em chuyển qua bán hàng rong. Giá mà em đi biển đánh bắt như đàn ông được... - bất chợt Chanh thở dài, hướng ánh mắt nhìn ra khơi xa. Phía ấy mặt trời đã lặn xuống biển từ khi nào. Phố lên đèn sáng rực. Thịnh thấy chân mình bớt đau nên móc ví trả tiền nước và mua thêm bao thuốc lá, cảm ơn Chanh rồi bước nhanh vào trong phố.

Ở lại với biển cả tuần, Thịnh đeo máy ảnh rong ruổi khắp ngõ ngách. Ngày nào anh cũng chạm mặt Chanh. Nhìn Chanh còn trẻ mà đã sống cảnh góa bụa khiến Thịnh chạnh lòng. Chanh học hết lớp 9 thì phải bỏ học vì cha mắc bệnh hiểm nghèo. Cô đi rửa bát thuê cho các quán ăn để lấy tiền phụ mẹ nuôi ba đứa em ăn học. 20 tuổi thì lấy chồng, sinh liền hai đứa con. Bố chồng và chồng mất tích trong khi ra khơi đánh cá. “Đời em có gì mà kể. Thôi! Anh đừng bận tâm”. Từ ấy, thi thoảng hình ảnh gánh hàng rong của Chanh lại chập chờn ẩn hiện trong những giấc mơ của Thịnh.
*
Cuộc hôn nhân của Thịnh kết thúc sau những năm tháng vợ chồng sống ly thân, giằng giữ trong bầu không khí nặng nề. Con cái không. Người nọ đổ lỗi cho người kia. Nhà đi thuê. Chẳng có gì ràng buộc và chia chác nên sự chia tay diễn ra nhẹ nhàng. Thịnh lại về quê, đối diện với biển để chiêm nghiệm về cuộc đời. Ngoài ba mươi tuổi, vẫn chưa làm được điều gì to tát, hạnh phúc gia đình cũng không gìn giữ được...

Mới có năm năm mà bãi biển quê anh thay đổi chóng mặt. Những khách sạn cao tầng mọc lên san sát. Dịch vụ du lịch nở rộ. Bãi biển trải dài dưới hàng dừa xanh mát. Vẻ hoang sơ đã biến mất dưới bàn tay cải tạo của con người. Thịnh khoác ba lô lang thang dọc bờ biển, thỉnh thoảng anh lại đảo mắt xung quanh như tìm kiếm ai đó. Anh nghĩ đến Chanh, người đàn bà bán hàng rong năm xưa. Không biết bây giờ cô ấy thế nào? Năm năm nay, anh cuốn vào công việc bộn bề, mỗi lần về quê cũng chỉ tạt qua một chốc rồi đi ngay. Anh bèn thuê thằng bé đánh giầy rồi tỉ tê:

- Cháu có biết cô Chanh bán hàng rong ở bãi biển này không?

Thằng bé vừa đánh giầy cho Thịnh vừa nhanh nhảu:

- Cháu có! Cô Chanh thì ai chả biết.

- Sao? Cô ấy nổi tiếng thế cơ à? - Thịnh ngạc nhiên

Thằng bé kể một tràng:

- Vâng! Cô ấy nổi tiếng vì nói tiếng Anh, tiếng Trung như gió. Cô ấy học mót nhanh lắm, toàn bán hàng cho khách Tây, làm phiên dịch cho du khách nước ngoài nên được boa nhiều. Cô ấy đi xe lửa vào tận Sài Gòn mua thuốc lá thơm mang ra bán cho Tây, lời lãi lắm chú ạ. Giờ cô ấy giàu rồi. Cô ấy là người đầu tiên ở vùng này nghĩ ra chuyện dùng thuyền để chở du khách ra thám hiểm Đảo Ngọc đấy chú ạ. Công nhận cô ấy thông minh thiệt nghe chú. Chú muốn tìm cô ấy thì đến nhà hàng Yến Sào nhé. Xưa kia cô ấy rửa bát thuê ở đó chứ giờ thành bà chủ rồi. Nhà chủ ấy vỡ nợ nên phải nhượng lại cho cô Chanh chú ạ!

- Làm sao cô ấy có nhiều tiền thế được? - Thịnh hỏi nửa tin nửa ngờ.

Thằng bé đánh giầy ngừng tay, giọng quả quyết:

- Chú không tin con thì thôi. Chú đến tận nơi mà xem. Cô ấy đổi đời rồi chú à.

Thịnh cuốc bộ theo tay thằng bé chỉ, khoảng vài trăm mét thì nhà hàng Yến Sào hiện ra. Chọn một bàn trống, anh gọi một cốc bia lạnh và con mực nướng, nhâm nhi cho vơi cơn khát. Cô bé phục vụ mặc váy ngắn ngang đùi nói giọng Bắc lễ phép:

- Thưa chú! Chú có cần gì nữa không ạ?

- Cho chú gặp cô Chanh.

- Dạ! Chú vui lòng chờ một lát ạ!

Đứng trước mặt Thịnh lúc này là một người đàn bà đẹp, ăn mặc hiện đại, cổ đầm khoét hình trái tim, ôm sát thân hình chắc lẳn, giọng vồn vã:
- Quý khách cần gì ạ? Ôi! Anh! Anh Thịnh!

Thịnh vẫn chưa hết ngỡ ngàng:

- Em khác quá! Có đúng như người ta kể không? Rằng em giỏi tiếng Tây, tiếng Tàu, rằng em đổi đời nhờ buôn thuốc lá, đưa khách ra đảo, mua lại nhà hàng?

Chanh bật cười khanh khách:

- Họ chỉ kể thế thôi sao? Cái khó ló cái khôn. Em không buôn bán thì cả nhà chết đói. Cũng nhờ gặp thời anh ạ vì vùng biển này mấy năm qua có rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ mát. Giao tiếp với họ nhiều thành ra em cũng bập bẹ dăm ba tiếng Tây, tiếng Tàu, nói riết thành quen - mắt Chanh lấp lánh niềm vui.

Thịnh vừa hồ nghi vừa chạnh lòng:

- Như một giấc mơ nhỉ? Năm năm em gây dựng được bao nhiêu thứ, còn anh vẫn hai bàn tay trắng. Đổ vỡ rồi. Giờ bỏ nhà đi bụi đây.

- Vậy thì anh cứ “xõa” thoải mái đi. Cho đời quên sầu nha. Em sẽ tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho anh ăn chơi hưởng thụ một phen nha.
Thịnh gật đầu, cảm thấy ở Chanh có một sức hút ghê gớm. Người đàn bà này vừa mạnh mẽ vừa bí ẩn nhưng cũng rất đỗi dịu dàng. Ngần ấy năm mải mê buôn bán, vật lộn với cuộc mưu sinh, Chanh vẫn chưa đến với người đàn ông nào. Biết vậy nhưng lòng tự trọng khiến Thịnh nén lại những rung động mới rộn lên trong lòng mình. 

Thịnh ngỏ ý muốn đi thuyền của Chanh ra thăm Đảo Ngọc, Chanh lưỡng lự:

- Toàn khách VIP thôi anh ạ! Sợ anh không hợp gu.

Thịnh năn nỉ:

- Cho anh một lần làm khách VIP của em đi!

Chanh nhoẻn miệng cười đồng ý. Từ ngày chồng mất, chưa có người đàn ông nào mang lại cho cô cảm giác ấm áp như Thịnh.

Trên thuyền, Chanh bắn tiếng Anh như gió. Đồ ăn đồ uống được cô sai nhân viên phục vụ tận nơi. Thịnh bàng hoàng, bủn rủn hết cả người khi phát hiện ra Chanh buôn “hàng trắng”. Khách hít xong lại quay cuồng nhảy nhót trong những vũ điệu mê tơi. Lòng Thịnh trống rỗng, hụt hẫng, chơi vơi khi khám phá ra bí ẩn động trời ấy. Bây giờ thì anh đã hiểu vì sao Chanh lại đổi đời nhanh thế. Thứ tình cảm lạ lùng vừa nhen lên như đốm lửa đã bị gáo nước lạnh dập tắt. Anh nghĩ đến bà mẹ chồng già nua, đau yếu của Chanh, nghĩ đến hai đứa nhỏ bơ vơ? Lương tâm và bản lĩnh của một nhà báo hết lòng với nghề không cho phép anh làm ngơ trước tội ác. Không thể để Chanh cứ trượt dài trên con đường sai trái. Anh đã ngồi một mình trước biển để lựa chọn một quyết định khó khăn, vì nó đâu chỉ định đoạt số phận của một con người.

- Dừng lại đi Chanh ơi! Em có biết là em đang gieo rắc cái chết trắng không? - Thịnh thủ thỉ lúc chỉ có hai người ngồi bên bờ biển.

- Anh đừng can thiệp vào công việc của em! - giọng Chanh quả quyết, rắn đanh.

- Anh không muốn thấy em phạm tội như thế này - Thịnh thở dài.

Chanh xua tay:

- Anh đi đi! Đi đi! Em chẳng xứng với anh đâu!

Thịnh trở về Hà Nội, trong đầu ám ảnh bởi những điệu nhảy quay cuồng trên chuyến tàu ra đảo. Lòng anh giằng xé, lưỡng lự, rồi quyết định làm một việc hệ trọng.

Ở trong trại tạm giam, người đàn bà ấy vẫn không tài nào hiểu được vì sao mình lại bị bắt, vì sao công an lần ra đầu mối sự việc cho đến khi bằng chứng được đưa ra. Thịnh đã dùng chiếc bút cài ở ngực áo có chức năng quay video để ghi lại cảnh “đập đá” ở trên thuyền rồi nộp cho công an. Bản án mười năm tù khiến Chanh cắn môi mình đến bật máu, cảm nhận vị mặn đắng, tanh nồng của máu hòa với nước mắt. 

Khi Thịnh vào thăm Chanh ở trại giam, cô nức nở: “Anh Thịnh ơi! Em không nghe lời anh nên mới ra nông nỗi này. Anh có khinh bỉ em không? Em biết tội của em rồi. Em cứ lún vào vòng xoáy kiếm tiền, chẳng thể nào dứt ra để đến bây giờ ân hận thì đã muộn. Anh biết không, hằng đêm trong giấc ngủ chập chờn, em nghe thấy tiếng sóng biển vỗ bờ liên hồi, tiếng mẹ chồng em hờ khóc bên bàn thờ những người thân đã khuất, tiếng hai con em gọi mẹ đến khản cả giọng. Choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa hai bên thái dương, em khóc hết nước mắt rồi anh ơi! Bọn trẻ đã níu em ở lại cuộc đời này nếu không em cắn lưỡi chết quách đi rồi. Anh biết không, bây giờ em chỉ mơ về ngôi nhà nhỏ và gánh hàng rong bên bờ biển như ngày nào, như cái ngày em gặp anh lúc anh vấp ngã ấy”. Thịnh lặng lẽ lắng nghe, dặn cô cải tạo tốt để sớm đoàn tụ với gia đình, để về với biển. Anh tin, biển quê nhà vẫn mãi bao dung...

  Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biển gọi