Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông sẽ là chủ đề được chú ý nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á.
Hội nghị được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức và được biết đến nhiều với tên gọi Đối thoại Shangri-La, vì nó diễn ra hằng năm tại khách sạn cùng tên ở Singapore. Đây là diễn đàn an ninh liên chính phủ có sự tham gia của các quan chức quốc phòng hàng đầu khu vực và thế giới.
Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 1 tới 3-6, với sự tham gia của đại diện tới từ 28 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Đây là lần thứ 11 Đối thoại Shangri-La được tổ chức. Chủ đề thảo luận của hội nghị gồm các chương trình hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó thảm họa thiên nhiên. Trong số này, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông sẽ được nhấn mạnh.
Ngoài đối thoại đa phương, Đối thoại Shangri La cũng là cơ hội để quan chức quốc phòng cấp cao các nước gặp tay đôi.
Vào chiều 2-6, các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La sẽ có một phiên họp toàn thể đặc biệt, trong đó chủ đề được mang ra bàn thảo đầu tiên là "Kiềm chế các tranh chấp biển Đông". Điều này cho thấy biển Đông tiếp tục là một chủ đề thu hút sự quan tâm tại khu vực và trên thế giới.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, nơi đang diễn ra tranh chấp căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: NASA |
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines đang có căng thẳng ngoại giao vì tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Hai nước liên tục đưa các tàu tới hoạt động quanh bãi cạn không có người sinh sống này, không có dấu hiệu nhượng bộ.
Defense News dẫn lời ông Tim Huxley, giám đốc điều hành IISS châu Á cho rằng, các tranh chấp hàng hải tại biển Đông là chủ đề lớn tại hội nghị năm nay. Một số nước có liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông có thể nhân Đối thoại Shangri-La để thể hiện quan điểm.
Dean Cheng, một chuyên gia người Trung Quốc của Quỹ Di sản có trụ sở tại Washington, thì cho rằng Mỹ sẽ theo dõi phản ứng của các đại biểu Trung Quốc tham dự hội nghị, để từ đó tìm hiểu định hướng của quân đội nước này.
Hôm 16-5, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Việt Nam và cả Philippines đều phản đối lệnh này. Manila thậm chí tính đến việc cũng đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá riêng.
Cũng trong ngày 16-5, Trung Quốc đã bắt giữ hai tàu cá và 14 ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Số ngư dân này cùng một tàu cá sau đó được thả, nhưng phía Trung Quốc giữ lại một tàu cá cùng toàn bộ ngư cụ, hải sản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là vô giá trị, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc trả lại tàu cá.
Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La, không khí được hâm nóng khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, các tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông đã vượt quá sự cho phép của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Đáp lại phát biểu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, Mỹ không phải là một bên trong các tranh chấp tại biển Đông.
Phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị năm nay với lực lượng hùng hậu với một bộ ba quốc phòng/quân sự nặng ký. Lần đầu tiên kể từ khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, ông Leon Panetta sẽ xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La. Sau 3 ngày ở Singapore, ông Panetta sẽ tới thăm Việt Nam và Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Ảnh: AP |
Các tướng lĩnh cấp cao khác của Mỹ sẽ tới Singapore là Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình dương Samuel Locklear. Ngoài bộ ba được mệnh danh là "Big Three", phái đoàn Mỹ còn có sự góp mặt của hai Thượng nghị sĩ John McCain và Joe Lieberman.
Ngược lại với sự xuất hiện hùng hậu của các quan chức cấp cao Mỹ, phái đoàn Trung Quốc năm nay không có sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, Asia News Network cho hay. Năm ngoái, ông Lương lần đầu tiên tham dự Đối thoại Shangri-La.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm nay công bố chiến lược quân sự mới của Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc chuyển dịch dần trọng tâm sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đã bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa sự chuyển dịch này với các kế hoạch điều chuyển quân ở Nhật Bản, Australia; các cuộc tập trận ở Philippines, Indonesia; việc cử tàu tới Singapore vào năm sau; cũng như một loạt các chuyến thăm của các tàu chiến tới nhiều nước trong khu vực này.
Ngay từ khi Mỹ công bố chiến lược kể trên, Trung Quốc đã bày tỏ sự quan ngại. Truyền thông Trung Quốc cho rằng đây là sự phô diễn sức mạnh, thậm chí có thể đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong thời gian qua Trung Quốc cũng đã điều hàng loạt tàu và thiết bị quy mô lớn ra biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng vì chủ quyền gia tăng.
Cán cân Mỹ - Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La sẽ giúp hình dung rõ hơn về định hướng của hai cường quốc này đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật Nam (VnE)