Tới khách sạn mang tên Bunker L479 của ông Serge Colliou, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét chấm phá thời chiến như mũ bảo hộ, những khẩu súng tái bản...
Ảnh: edition.cnn.com
Bức tường Đại Tây Dương là một tuyến phòng thủ quân sự rộng lớn do quân đội Đức Quốc xã xây dựng dọc bờ biển Đại Tây Dương, phía tây châu Âu trong những năm 1942 - 1944 thời Chiến tranh thế giới thứ hai, để phòng chống quân đồng minh từ Anh đổ bộ.
Tuy chiến tranh đã đi qua từ lâu, nhưng khu vực bờ biển miền Bắc nước Pháp vẫn còn rải rác nhiều công trình quân sự thuộc tuyến phòng thủ này.
Ở Saint-Pabu, bên bờ biển Breton, các boongke bê tông được chôn lấp dọc theo các bãi cát trong một khu vực từng hoạt động như một trạm radar.
Ông Serge Colliou đã mua một khu đất xung quanh một trong những boongke này. Ông dành ra 18 tháng để đào và cải tạo công trình rộng 400m2, biến nơi đây thành một khách sạn mini dưới lòng đất, đủ rộng để tối đa 8 người có thể cùng ở. Khách sạn mini của ông thậm chí còn có phòng khách rộng rãi và cả một quầy bar.
Ông Colliou hào hứng giới thiệu: “Chúng tôi đã cải tạo boongke này, trong khi vẫn giữ được độ chắc chắn của công trình. Chúng tôi muốn mang đến cho nơi đây một cuộc sống thứ hai, vì chúng ta sẽ không sống trong quá khứ mãi mãi. Chúng tôi đã lưu lại một số đường nét đặc biệt, bạn sẽ biết rằng bạn đang ở đâu, có những dấu hiệu lịch sử nào, nhưng dù sao thì cũng đừng coi đây như một cái bảo tàng".
Tới khách sạn mang tên Bunker L479 của ông Serge Colliou, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét chấm phá thời chiến như mũ bảo hộ, những khẩu súng tái bản và một số dấu tích trên tường nhà. Ông Colliou cho biết cả khách Đức và Pháp đều đã tới đây ở trọ kể từ khi khách sạn mở cửa cách đây một năm.
Giới chức địa phương muốn loại bỏ những boongke và các di tích chiến tranh khác tại khu vực bờ biển, để tránh gây nguy hiểm cho những người tới đây bơi lội. Tuy nhiên, nhiều người dân ở Saint-Nazaire, La Rochelle, Brest và các khu vực khác vẫn tìm cách thực hiện những bước đi độc đáo để khôi phục các di tích lịch sử này.
Ông Herve Farrant - một chuyên gia về boongke cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu bảo tồn những boongke nổi tiếng đó và đó là một điều nên làm. Tuy nhiên, chúng tôi không thể cứu được tất cả”.
Theo TTXVN