Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính lưu ý: Bí thư mà không quan tâm đến công tác đảng thì công tác đảng, công tác cán bộ chuệch choạc, có sai lầm là đúng rồi.
Ban chấp hành TƯ Đảng, Ban chỉ đạo đề án TƯ 7 vừa tổ chức hội nghị tham gia ý kiến dự thảo đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đây là cuộc họp thứ 5 Ban chỉ đạo đề án TƯ 7 lấy ý kiến các lãnh đạo Đảng đoàn QH, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra TƯ, các Ban Đảng TƯ, lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội…
Hội nghị lấy ý kiến dự thảo đề án xây dựng cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược |
Trước đó, Ban chỉ đạo đã tổ chức lấy ý kiến các bí thư tỉnh uỷ tại 3 miền cùng với lãnh đạo các bộ ngành TƯ.
5 đột phá trong công tác cán bộ
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính nêu 5 đột phá trong công tác cán bộ được đề cập trong đề án này.
Đầu tiên theo ông là phải tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, đi đôi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.
Đột phá thứ 2 là vừa chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng phải mở rộng không gian, cơ chế phát huy trí tuệ của cán bộ đảng viên để họ năng động sáng tạo, làm động lực cho đổi mới phát triển. Còn siết chặt mà không ai sáng tạo, không ai dám sáng tạo, không ai dám đổi mới thì không phát triển.
“Kinh nghiệm cho thấy suốt ngày rà soát, săm soi nhau thì khó đổi mới, phát triển. Chúng tôi vừa đi Trung Quốc, thấy họ chấp nhận sai lầm nhưng sai lầm đó không phải là động cơ cá nhân mà là vì sự phát triển, tức là chúng ta có thí điểm, thí nghiệm, có cái đúng, cái sai. Cái đúng thì nhân rộng, cái không đúng phải chấp nhận chứ không phải vì đó mà kỷ luật cán bộ”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ phân tích.
Tự phê bình còn hình thức
Đột phá thứ 3, ông Chính chỉ ra là đánh giá cán bộ mà mấy nhiệm kỳ này đều là khâu yếu. Vì vậy, đề án đưa ra cách đánh giá đa chiều, 360 độ, trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh ra, ngoài đánh vào; đánh giá liên tục hàng tuần hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng.
Đồng thời, việc đánh giá phải công khai để tạo động lực cán bộ phấn đấu như việc lấy phiếu tín nhiệm ở QH lần đầu, có nhiều người đánh giá thấp thì phải cố gắng điều chỉnh để lần sau tốt hơn nhiều. Việc đánh giá phải lượng hoá cụ thể làm được gì.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ cũng nêu phương pháp đánh giá mới bằng hình thức thu thập thông tin mà chính Ban Tổ chức TƯ đã thử nghiệm.
Cụ thể là các đảng bộ trực thuộc TƯ như ban thường vụ, ban cán sự, đảng đoàn có vấn đề gì thì Ban Tổ chức TƯ cử 1 phó ban xuống gặp từng người để nắm tình hình và góp ý nhưng không nêu nguồn để việc phê bình, đánh giá nhẹ nhàng, đoàn kết mà hiệu quả.
“Chúng ta thấy đánh giá, nhất là đánh giá cuối năm như năm ngoái, 92% cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đều xuất sắc trong lúc điều kiện đất nước như vậy. Năm nay tỉ lệ này xuống hơn 70%. Vừa rồi ta đưa ra khỏi xuất sắc nhiều lắm, 10-15%, làm gì mà cả ban thường vụ đều xuất sắc trong khi nhiệm vụ thì không hoàn thành. Tức là kiểm điểm, phê bình, tự phê bình của chúng ta hiện nay còn hình thức, không hiệu quả”, ông Phạm Minh Chính nói.
Ông cũng lưu ý tình trạng bí thư không quan tâm đến công tác đảng mà chỉ quan tâm đến chuyên môn. “Bí thư mà không quan tâm đến công tác đảng thì công tác đảng, công tác cán bộ chuệch choạc, có sai lầm là đúng rồi”.
Trưởng Ban Tổ chức TƯ kể: “Tôi dự các cuộc kiểm điểm vừa rồi, mới nhất là trường hợp anh Thanh (ông Lê Phước Thanh - nguyên Bí thư Quảng Nam vừa bị kỷ luật) có nói là do các cơ quan tham mưu làm. Các em các cháu có tội tình gì đâu nhưng các bác các chú bênh bố thì cứ làm thôi”.
Đột phá thứ 4 được ông Chính nêu ra là về chính sách cán bộ, trong đó có chính sách về nhà ở, lương, khen thưởng.
Thứ 5 là đột phá trong việc nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
THU HẰNG (Vietnamnet)