Bí thư chi bộ dám nghĩ, dám làm

21/02/2013 08:00

Dù đã được về nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm đại tá nhưng ông Nguyễn Văn Thân vẫn tích cực công tác với vai trò Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà).



Dù đã được về nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm đại tá nhưng ông Nguyễn Văn Thân (ảnh) vẫn tích cực tham gia công tác với vai trò Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà). Với bản chất của người lính cùng với sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông Thân đã cùng với Chi ủy thôn đề ra nhiều giải pháp để lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Về thôn Ngọc Lộ vào một ngày đầu xuân, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê nơi đây với rất nhiều ngôi nhà 2 tầng khang trang vừa mới được xây dựng. Toàn bộ đường thôn đã được bê-tông hóa và có điện chiếu sáng, đường ra đồng đang được bê-tông hóa để thay cho những con đường đất lầy lội, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Thân phấn khởi cho biết: “Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mà đời sống của nhân dân Ngọc Lộ đang thay da đổi thịt. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thôn đã có 10 ngôi nhà 2 tầng hiện đại được xây dựng với kinh phí xấp xỉ 10 tỷ đồng”. “Vậy chi bộ đã lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng như thế nào?” - Tôi hỏi. “Trước đây, như nhiều làng quê khác trong huyện, nhân dân trong thôn cũng tập trung trồng cây vải nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một vài xã lân cận, nhân dân đã bắt đầu chuyển sang trồng ổi trái vụ cho thu nhập cao. Trước thực tế đó, chi bộ thôn đã bàn bạc và ra nghị quyết, quyết tâm lãnh đạo nhân dân chuyển dần diện tích trồng vải sang trồng ổi, đu đủ. Ý Đảng hợp với lòng dân nên nghị quyết của chi bộ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Từ năm 2009 đến nay, toàn thôn đã chuyển 66 ha cây lâu năm, trong đó chủ yếu là cây vải sang trồng các loại cây ăn quả khác. Trong đó, diện tích ổi trái vụ, đu đủ, chuối chiếm 45 ha. Năm 2012, mỗi ha ổi cho thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng” - Ông Thân cho biết.

Sản xuất nông nghiệp phát triển, thương lái khắp nơi đổ về Ngọc Lộ thu mua nông sản, trong khi đó đường ra khu chuyển đổi vẫn chủ yếu là đường đất, đi lại rất khó khăn. Trước thực trạng đó, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thân đã cùng với cán bộ, đảng viên trong thôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có phương hướng lãnh đạo nhân dân làm đường bê-tông ra đồng. Ông Thân kể: “Năm 2012, để làm được đường bê-tông ra đồng, trước hết chi bộ họp bàn và ra nghị quyết, sau đó tiến hành triển khai thực hiện. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chi bộ đã cùng với Ban công tác mặt trận thôn tổ chức nhiều cuộc họp bàn với nhân dân trong thôn. Sau đó, đi đến thống nhất phương án, cách thức, mức đóng góp của các hộ dân. Thôn tổ chức làm đường ra đồng ở các xóm 9, 10 và 11 trước. Do bàn bạc thấu đáo, công khai, dân chủ nên chỉ trong một thời gian ngắn đã làm được 2.500 m đường với chiều rộng 2 m, dày 18 cm, tổng kinh phí do nhân dân đóng góp là 500 triệu đồng. Trong đó, có hộ dân đóng góp lên đến 10 triệu đồng. Năm nay, thôn sẽ tiếp tục triển khai làm đường ở các xóm còn lại”.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều công việc mà ông Thân đã cùng với Ban chi ủy, Chi bộ thôn Ngọc Lộ lãnh đạo nhân dân trong thôn thực hiện thành công trong hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi suy nghĩ lại là vì sao một sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu với quân hàm đại tá, lương tháng có thể nuôi cả gia đình, vợ con ở quê vẫn tích cực tham gia công tác ở thôn. Khi chúng tôi đem vấn đề đó ra trao đổi thì được ông cho biết: “Cũng có bạn bè, người thân khi biết tôi được giao nhiệm vụ làm bí thư chi bộ thôn đã nói với tôi: Trong quân đội, anh lãnh đạo cả nghìn quân. Về nghỉ hưu lại làm bí thư chi bộ thôn làm gì cho vất vả. Đầy người thu nhập thấp hơn anh mà họ còn chả làm ấy chứ... Thế nhưng tôi lại nghĩ khác. Mình là đảng viên, là người lính, suốt 37 năm công tác trong quân ngũ, nhưng nhìn lại tôi thấy mình chưa đóng góp được gì cho quê hương. Vì vậy, tôi không thoái thác trách nhiệm. Tôi đã vận dụng những điều mà Bác Hồ dạy vào công việc. Mọi việc mà tôi làm đều vì lợi ích của nhân dân. Do đó, nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ”.

Đánh giá về vai trò của đồng chí Thân đối với địa phương, đồng chí Nguyễn Trọng Long, Bí thư Đảng ủy xã Tân Việt cho biết: "Trước kia, qua nhiều đời bí thư chi bộ, các phong trào của thôn Ngọc Lộ rất trầm lắng, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ thì hiệu quả không cao. Năm 2009, đồng chí bí thư chi bộ thôn mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chưa tìm được người thay thế. Đúng thời điểm đó, đồng chí Thân được về nghỉ chế độ tại địa phương. Được sự nhất trí của chi bộ, Đảng ủy xã đã chỉ định đồng chí Thân làm Bí thư. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí đã nắm bắt rất nhanh công việc để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân trong thôn thực hiện các nghị quyết, chủ trương của cấp trên. Đồng thời, xây dựng được nhiều nghị quyết của chi bộ để lãnh đạo nhân dân. Trong 4 năm trở lại đây, phong trào của thôn Ngọc Lộ luôn dẫn đầu so với các thôn còn lại. Cụ thể, thôn đã giữ vững danh hiệu làng văn hóa trong 14 năm liền, 4 năm liên tục chi bộ đều đạt trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Thân 4 năm liền đều là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2010, đồng chí được Huyện ủy khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Bí thư chi bộ dám nghĩ, dám làm