Bí quyết thành công của xã Hợp Tiến

04/11/2013 05:51

Từ chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cộng với sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, xã Hợp Tiến đã cứng hóa nhiều tuyến đường thôn, xã...



Các trục đường của xã Hợp Tiến được "cứng hóa", tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ
nông sản của nông dân


Đưa chúng tôi đi thăm con đường trục chính rộng 4 m từ trong thôn ra ngoài cánh đồng thâm canh rau màu, ông Trần Minh Ngôn, Bí thư Chi bộ thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) cho biết: "Trước năm 2008, hệ thống đường làng, ngõ xóm trong thôn tôi phần lớn là đường đất, việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ địa phương làm đường giao thông nông thôn (GTNT), chúng tôi vừa mừng, vừa lo vì không biết lấy đâu ra kinh phí để làm đường. Cuối cùng, cũng tìm ra cách huy động sức dân với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ban Chi ủy thôn cùng các ban, ngành, đoàn thể trong thôn tổ chức họp bàn quyết tâm bê-tông hóa tất cả tuyến đường GTNT. Ban Chi ủy yêu cầu từng đảng viên trong chi bộ gương mẫu đi đầu, vận động gia đình, dòng họ đóng góp kinh phí làm đường. Đặc biệt, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thôn Cao Đôi đã niêm yết công khai chi tiết dự toán chi phí làm đường, mức đóng góp, tên tuổi từng gia đình, cũng như công khai các khoản thu... tại nhà văn hóa thôn. Nhờ đó, dù đời sống nhân dân trong thôn còn khó khăn, song ai cũng tự nguyện đóng góp kinh phí làm đường. Kết quả, từ năm 2008 đến nay, toàn thôn đã huy động được hơn 1 tỷ đồng, cùng nguồn lực của thôn và sự hỗ trợ của Nhà nước để cứng hóa hơn 2 km đường trục thôn cũng như đường các xóm. Năm 2013, để bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thôn tiếp tục vận động nhân dân đóng góp được gần 400 triệu đồng, vận động con em xa quê ủng hộ hơn 40 triệu đồng để làm 700 m đường ra ngoài nghĩa trang, mở rộng mặt đường từ 3m lên 3,5 m".

Bà Nguyễn Thị Mùi ở thôn Bến cho biết: "Qua tuyên truyền, chúng tôi hiểu làm đường GTNT người được hưởng lợi trước tiên là nhân dân địa phương. Đường phong quang, sạch đẹp thì đời sống mới được nâng lên. Vì vậy, chúng tôi đều tự nguyện đóng góp, có nhiều gia đình đóng góp 2,5 - 3 triệu đồng. Giờ đây, đường thông, ngõ thoáng đi lại rất thuận tiện. Tới đây, thôn có chủ trương mở rộng mặt đường ra 3,5 m, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia đóng góp”. Còn bà Bùi Thị Liễu chia sẻ: "Từ khi đường GTNT trong xã, trong thôn được cứng hóa, chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều. Năm nay tôi trồng 3 sào bí xanh, thương lái cho xe tới tận ruộng thu mua nên không phải vất vả vận chuyển đi bán. Gia đình tôi dự kiến thu lãi hơn 10 triệu đồng từ trồng bí”.

Ông Phạm Đình Thế, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết, khi triển khai làm đường GTNT, xã xác định rõ hai vấn đề: mức huy động dân đóng góp và cách thu góp. Việc làm đường GTNT đòi hỏi kinh phí, nguồn lực rất lớn nên lãnh đạo và nhân dân đã cùng nhau bàn bạc xem tuyến đường nào làm trước, tuyến đường nào làm sau, kinh phí đóng góp như thế nào, huy động nguồn lực ra sao… Mọi quy trình đều công khai minh bạch, phát huy quyền giám sát và tham gia góp ý của nhân dân. Xã xác định rõ điều kiện kinh tế của từng đối tượng đóng góp, không để ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của người dân. Chẳng hạn hộ giàu, hộ khá, kể cả hộ trung bình thì đóng ngay, đóng đủ. Nhưng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất thì đóng thành nhiều đợt hoặc đóng khi xong mùa vụ thu hoạch... Nói cách khác, việc huy động nhân dân đóng góp của xã Hợp Tiến bảo đảm dân chủ và “lấy dân làm gốc”.

Để hỗ trợ các thôn, xã Hợp Tiến đầu tư mỗi km đường GTNT 300 triệu đồng. Trong suốt quá trình làm đường, lãnh đạo xã đều xuống tận cơ sở, động viên nhân dân. Từ năm 2008 đến nay, nhân dân xã Hợp Tiến đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng làm gần 30 km đường GTNT. Hiện tất cả các tuyến đường GTNT trong xã được bê-tông hóa. Riêng năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 toàn xã đã vận động nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng làm 3,8 km đường giao thông nội đồng. Ngoài đóng góp kinh phí, ngày công, nhân dân Hợp Tiến còn hiến đất làm đường. Từ năm 2012 đến nay, nhân dân trong xã đã hiến hơn 13 nghìn m2 đất, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để mở rộng đường, làm đường ra đồng... Năm 2013, xã đã quy hoạch 2 tuyến đường với tổng chiều dài gần 1,5 km theo dự án WB3, ngân sách xã đầu tư 1,2 tỷ đồng lo mặt bằng và đầu tư phần nền. Hiện nay, một số tuyến đường trong thôn đã "cứng hóa" nhưng chưa bảo đảm tiêu chí nông thôn mới, do đó, xã Hợp Tiến đã thực hiện cắm mốc giới để mở rộng mặt đường. Xã phấn đấu hết năm 2014, 100% các trục đường thôn, xóm đều bảo đảm tiêu chí nông thôn mới.

Trong dịp tổng kết 10 năm xây dựng đường GTNT của tỉnh vừa qua, xã Hợp Tiến đã vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển GTNT.

NGÂN HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí quyết thành công của xã Hợp Tiến