Nhờ luôn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) mà nhiều trang trại vẫn giữ được an toàn dù ở tâm vùng dịch.
Công nhân dùng vòi áp lực lớn để phun thuốc khử trùng trong trang trại của ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Đồng Nại, xã Liên Hồng (Gia Lộc)
Bảo vệ tuyệt đối
Đã hơn 3 tháng nay, vợ chồng ông Phạm Văn Dũng và con trai ở thôn Đồng Nại, xã Liên Hồng (Gia Lộc) ăn, ngủ và sinh hoạt ngay tại trang trại lợn. Thực phẩm cung cấp cho công nhân đều có nguồn gốc từ trong trang trại. Các xe đến mua lợn đều phải tuân thủ theo hướng dẫn, dừng cách xa trang trại gần 100 m, sau đó phun thuốc sát trùng mới được tiến về gần trang trại. Những người tham gia xuất bán lợn đều phải mặc đồ bảo hộ và phun thuốc sát trùng. Lợn được lùa từ trong trang trại ra ngoài biên giới trang trại rồi mới bắt lên xe chứ không bắt trực tiếp trong trang trại như trước. Đồ bảo hộ chỉ được phép dùng 1 lần, sau đó đốt luôn để tránh mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại. Dù mất rất nhiều công sức nhưng tất cả những việc làm đó lại đang bảo đảm an toàn cho trang trại.
Không chỉ người và phương tiện mới phải khử trùng, mà ngay cả những vật dụng cá nhân mang vào trang trại như điện thoại, tiền mặt... cũng phải khử trùng bằng tia cực tím. Các phương tiện vận chuyển vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, đều phải phun xịt tẩy trùng kỹ lưỡng trước khi bốc xếp hàng hóa. Các bao cám trước khi được mang cho lợn ăn phải được cho vào kho xông bằng tia cực tím và formol. Theo ông Dũng, quy trình này rất phức tạp, nếu không thông thạo có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Xung quanh trang trại được rắc vôi bột. Sát trùng chuồng lợn ngày 1 lần bằng formol hoặc nước vôi, thuốc khử trùng. Trại lợn luôn được vệ sinh khô ráo, thông thoáng và tuyệt nhiên không có bất kỳ còn ruồi, muỗi nào. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc trên nên dù ở giữa tâm dịch nhưng trang trại quy mô 140 lợn nái và hơn 1.000 lợn thịt của trang trại này vẫn an toàn.
Dù thực hiện nhiều biện pháp phòng chống bệnh dịch nhưng trang trại của anh Đặng Quốc Hải ở thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện) vẫn bị nhiễm bệnh DTLCP. Nhưng may mắn hơn các hộ khác, trang trại của anh Hải chỉ bị tiêu hủy 25 con lợn nái và đàn lợn con theo mẹ, còn hơn 100 con lợn thịt vẫn cách ly được với dịch bệnh. Anh Hải cho biết: "Toàn bộ dãy chuồng lợn nái và dụng cụ chăn nuôi trong khu chuồng được phun khử trùng kỹ lưỡng. Dãy chuồng lợn thịt được phun khử trùng 2 lần/ngày, vôi bột được rắc xung quanh chuồng trại và lối đi. Ngoài chế độ dinh dưỡng như bình thường, đàn lợn thịt được bổ sung thêm các loại kháng sinh dạng thảo dược để tăng sức đề kháng. Dù là ổ dịch, nhưng đến thời điểm này chúng tôi đã khống chế được bệnh dịch, không để lây lan từ khu chuồng lợn nái sang lợn thịt. Mới đây, tôi xuất bán 50 con lợn thịt với tổng trọng lượng hơn 5 tấn. Số lợn thịt còn lại đến nay vẫn an toàn".
Chăn nuôi an toàn sinh học
Dù giữ được trang trại an toàn trong tâm dịch nhưng ông Dũng cũng thấy mệt mỏi vì phải gồng mình chịu thêm nhiều chi phí phát sinh. "Với tổng đàn gần 2.000 con lợn các loại, chỉ tính riêng tiền cám đã lên đến 30 triệu đồng/ngày, chưa kể tiền điện, nước, nhân công. Tiền mua thuốc phun phòng dịch bệnh cũng lên tới 30 triệu đồng/tháng. Mấy tháng nay, ngân hàng gửi giấy thông báo kỳ hạn trả lãi nhưng tôi cũng chưa có tiền để trả. Bằng mọi giá, tôi quyết tâm bảo vệ trang trại khỏi bệnh DTLCP", ông Dũng chia sẻ.
Chi phí tăng thêm cao gấp đôi so với trước, trong khi lợn con không bán được. Để hạn chế số lợn con, ông Dũng buộc phải loại bớt những con lợn mới sinh bị còi cọc, chậm lớn để giảm chi phí chăn nuôi. Trong khi đó, giá thịt lợn giảm sâu, hiện lợn hơi chỉ còn 29.000 đồng/kg, giảm 4.000-5.000 đồng so với đầu tháng. Với giá bán này, người chăn nuôi bị lỗ hơn 1 triệu đồng/con lợn 1 tạ.
Theo nhận định của Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Số ổ dịch xảy ra ít hơn trước nhưng số lợn bị tiêu hủy tăng nhiều do bệnh DTLCP đang có xu hướng lan tới các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Nguyên nhân do các chủ trang trại và chính quyền địa phương chưa xử lý, cách ly mầm bệnh triệt để dẫn đến mầm bệnh xâm nhập vào trang trại, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo, để bảo đảm an toàn trong "bão" bệnh DTLCP thì các hộ và trang trại chăn nuôi lợn phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học. Khu vực chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ. Phải biết rõ lai lịch, nguồn gốc, tình trạng bệnh dịch của vật nuôi mới nhập; trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định. Kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại. Kiểm soát không để chim, ruồi, muỗi và các loài gặm nhấm, chó mèo và người lạ ra vào khu vực chăn nuôi. Chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi bảo đảm đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ.
TRẦN HIỀN