Anh tôi chạy xe ôm, được người khác nhờ chở qua biên giới trái phép nên bị bắt, xử phạt 30 triệu đồng. Nhà nghèo, anh ấy không thể lo được nhiêu đó tiền trong một lúc.
Nhà tôi ở quê, ai thuê gì làm nấy, riêng anh tôi chạy xe ôm kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Bẵng đi mấy tháng, đột nhiên tôi nghe tin anh bị phạt vì chở người qua biên giới trái phép, giờ bị phạt 30 triệu đồng. Anh không có tiền, hỏi tôi xem có cách nào xoay sở không.
Thực sự tiền dành dụm của tôi không có nhiều, còn phải lo chi phí sinh hoạt hàng tháng, vừa chăm nuôi mẹ ở bệnh viện, rồi nhiều khoản phát sinh khác. Giờ phải nộp phạt một lần số tiền lớn như vậy thì vượt quá khả năng của anh em tôi. Chúng tôi hỏi vay người quen cũng không có, đã nghĩ đến việc vay "tín dụng đen" nhưng nhắm khả năng không kham nổi lãi thì phát sinh nhiều nguy hiểm hơn.
Xin hỏi, theo quy định của pháp luật thì anh tôi có thể xin cơ quan chức năng cho đóng phạt "góp" thành nhiều lần không? Nếu được thì anh ấy phải làm thủ tục gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật XLVPHC), cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 79 của luật này:
- Thứ nhất, việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây: bị phạt tiền từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150 triệu đồng trở lên đối với tổ chức; đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần.
Đơn đề nghị của cá nhân phải được UBND cấp xã (nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc) xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Đơn đề nghị của tổ chức phải được UBND cấp xã, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
- Thứ hai, thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần; mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
- Thứ ba, người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Trong trường hợp này, xét thấy anh của bạn bị xử phạt 30 triệu đồng thì đã thỏa mãn điều kiện "bị phạt tiền từ 15 triệu đồng trở lên". Tuy nhiên, anh của bạn phải có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần gửi cho UBND cấp xã, phường nơi cư trú (hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nơi anh đang làm việc) để được xác nhận có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần là không quá 6 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực. Đồng thời số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần, và mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 12 triệu đồng (40% của số tiền phạt).
TB (theo VnExpress)