Chị M.K.A cho biết, đã bị lừa 200 triệu đồng vì chót ứng tuyển “cộng tác viên thu âm lồng tiếng online tại nhà”.
Thời gian gần đây, nhiều người, chủ yếu là phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ, không có việc làm ổn định, đang chăm con nhỏ... vì tin tưởng những quảng cáo tuyển cộng tác viên online (trực tuyến) thu âm, đọc văn bản, tiểu thuyết… thu nhập 200.000 - 500.000 đồng/ngày đã bị mắc bẫy với số tiền vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng.
Nhận “công việc”, chưa hưởng lương đã mất 200 triệu đồng
Chị M.K.A (ở Hà Nội) cho biết, khoảng giữa tháng 6, đọc được thông tin trên Facebook tìm người thu âm, đọc văn bản, đọc tiểu thuyết với thu nhập 200.000 - 500.000 đồng/ngày, nên chị có nộp hồ sơ ứng tuyển vào 1 trang facebook “Ứng Viên Đọc Truyện, Tiểu Thuyết” thuộc công ty TNHH Truyền thông và Quảng cáo GMC Media có trụ sở tại 354/114 Phan Văn Trị, Phường 11, Quận Bình Thạnh, Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Trong quá trình trao đổi tại messenger, đơn vị tuyển dụng đã gửi mã ứng viên và yêu cầu chị A. kết bạn zalo với Bộ phận nhân sự có số điện thoại 0762075598. Sau cuộc phỏng vấn ngắn, tư vấn viên đề nghị chị kết bạn qua Zalo, sau đó chuyển qua nhóm Telegram để tiện trao đổi công việc.
Theo lời chị A., sau khi thử ghi âm một bản đọc, chị được thông báo hoàn thành công việc 1 với điểm duyệt 90/100.
Đến công việc 2, nhân viên tư vấn có nhờ chị đặt lệnh mua 1 sản phẩm bất kỳ theo yêu cầu nhà tài trợ (MCRIO). Chỉ cần chuyển tiền mua hàng, sau 5 - 10 phút sẽ được trả lại tiền cộng thêm 10% tiền hoa hồng. Nếu đồng ý có thể được xem xét làm nhân viên chính thức của công ty
“Ở công việc 2 tôi đã chuyển tiền mua 1 sản phẩm micro có giá 799.000 (lệnh chuyển là HTG1 và họ đã hoàn tiền có bao gồm hoa hồng là 878.900. Kết thúc công việc 2, họ yêu cầu liên hệ Trợ lý viên Phan Anh Quân để tiếp tục xét duyệt thành nhân viên chính thức với 4 hoạt động ở thử thách 2”- Chị M.K.A cho biết.
Theo lời chia sẻ của chị A. do số tiền mua hàng ở công việc 2 chỉ vài trăm ngàn đồng nên chị không nghĩ ngợi nhiều mà chuyển tiền ngay. Đến 4 hoạt động tiếp theo, vẫn là công việc “mua hàng” nhưng số tiền tăng cao dần lên, và số tiền hoa hồng cũng tăng từ 10-20% nên người chơi dễ “nảy sinh lòng tham”.
Chị A. kể: "Ở lần giao dịch mua hàng thứ 2, tôi chuyển 2 triệu đồng mua hàng, 5 phút sau tôi nhận lại 2,2 triệu đồng. Tuy nhiên đến lần giao dịch tiếp theo, sau khi chuyển tiếp 4 triệu đồng với nội dung “Job2” thì tôi bị thông báo giao dịch thất bại. Do tôi chuyển tiền sai số lượng và họ yêu cầu tôi chuyển số tiền 4x3=12 triệu đồng để lấy lại số tiền trên. Vì tiếc tiền đã chuyển sai lệnh và treo trên hệ thống, tôi đã chuyển tiếp 12 triệu đồng nhưng vẫn không nhận lại được số tiền đó”- chị A. nói
Theo lời chia sẻ của chị A. họ đã dùng câu từ gây nhầm lẫn, thêm việc, do số tiền đổ vào đó khá nhiều nên tâm lý những người như chị chỉ muốn nhanh chóng kết thúc công việc này để rút tiền về. Không có tiền chị đi vay mượn người thân xung quanh, từ 30 đến 70 triệu đồng,… và chỉ sau khi chuyển cho chúng 200 triệu đồng trong vòng hơn 4 tiếng đồng hồ với cùng thủ đoạn như trên thì chị K.A mới thực sự bừng tỉnh.
“Đến lúc biết mình bị mắc lừa, tôi muốn kết thúc công việc, đòi lại số tiền thì chúng thách thức tôi. Ngay cả khi tôi nhắn cho chúng, thông báo tôi đã trình báo đến cơ quan công an, chúng cũng không sợ, và có những lời lẽ khiếm nhã với tôi”-chị A. kể.
Nhiều nạn nhân bị lừa
Không riêng chị A., nhiều tháng nay, trên một nhóm thu âm giọng đọc trên Facebook cũng chia sẻ bị lừa với chiêu thức tương tự. Người ít thì vài triệu, người nhiều thì vài chục, thậm chí vài trăm triệu. Thủ đoạn của bọn chúng hết sức tinh vi, chúng dùng hình ảnh của người có ảnh hưởng trên trạng xã hội để lừa người chơi tham gia.
Theo lời chia sẻ của chị M.K.A., chị bị lừa vì trên trang tuyển dụng của bọn chúng có sử dụng đoạn video của Tuệ Nga- một cô gái nhỏ với khuôn mặt lạ, nổi tiếng về việc review sách trên Facebook, YouTube và TikTok. Tuệ Nga từng là nhân vật tham gia chương trình “Điều ước thứ 7” trên VTV3.
Khi chúng tôi liên hệ với Tuệ Nga về việc này, Tuệ Nga cũng cho biết, cô rất bức xúc và đã có bài đính chính trên các nền tảng mạng xã hội.
“Đây là việc họ đã sử dụng hình ảnh của mình để đi lừa đảo. Họ đã sử dụng hình ảnh của mình để lợi dụng lòng tin của người khác nhằm trục lợi. Có rất nhiều người đã nhắn cho mình, phản hồi việc họ đã bị lừa rất nhiều tiền chỉ vì tin tưởng mình. Mình rất bức xúc, và nếu ai nhìn content thế này, các bạn có thể comment giúp mình “cảnh báo giúp mình đó là lừa đảo”. Hình ảnh của mình chỉ được đăng trên 2 nơi là Tuệ Nga trên Tiktok và Tuệ Nga trên Facebook”- Tuệ Nga cho hay.
Chuyên gia cảnh báo
Theo dõi vấn đề này một thời gian, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT-TT), cho hay, đây thực chất là hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên online, chỉ khác về nội dung. Thay vì lừa tuyển dụng làm các công việc bán hàng cho các sàn thương mại điện tử thì nay những kẻ lừa đảo chuyển sang tuyển thu âm, đọc truyện… Còn cách thức dẫn dụ từ Facebook qua Zalo rồi Telegram và các nhiệm vụ chuyển tiền mua sản phẩm, hưởng hoa hồng đều giống nhau.
Những người sử dụng mạng xã hội nhất là phụ nữ cần cảnh giác với các lời mời việc làm online hứa hẹn thu nhập cao mà không yêu cầu kinh nghiệm hay kỹ năng. Thường thì những kẻ xấu sẽ tiếp cận và giới thiệu công việc online đơn giản, chỉ đòi một số tiền nhỏ để "thực hiện nhiệm vụ" và sau đó họ sẽ hoàn lại tiền đó cùng với lãi suất.
Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, ban đầu, những "nhiệm vụ" có thể dễ dàng và kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng hoàn lại số tiền thực hiện nhiệm vụ cùng với phần thưởng nhằm xây dựng niềm tin. Tuy nhiên, sau đó, họ sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện các "nhiệm vụ" với số tiền lớn hơn và tìm các lý do như là "cộng tác viên" thực hiện chậm hay mắc lỗi trong quá trình làm việc, không đáp ứng được yêu cầu đánh giá tín nhiệm...
“Khi đó, kẻ lừa đảo sẽ giữ số tiền đó và yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn để nhận được toàn bộ số tiền đã đầu tư. Quá trình lừa đảo này tiếp tục theo một vòng tuần hoàn, cho đến khi nạn nhân phát hiện bị lừa hoặc không còn khả năng trả tiền. Khi đó, kẻ xấu sẽ chặn mọi liên lạc và biến mất. Phương tiện liên lạc mà chúng thường sử dụng là ứng dụng gửi tin nhắn Telegram, có khả năng tự động xóa toàn bộ lịch sử từ cả hai bên sau khi lừa đảo xảy ra, không để lại bằng chứng và khó để truy tìm tài khoản”- chuyên gia Hiếu nói.
Ông Ngô Minh Hiếu cảnh báo, kẻ lừa đảo thường sử dụng các phương tiện truyền thông và kênh liên lạc mà không để lại thông tin cá nhân hoặc dùng thông tin giả mạo. Điều này làm cho việc xác định danh tính và địa điểm của họ trở nên rất khó khăn. Kẻ lừa đảo thường sử dụng công nghệ và mạng lưới đa quốc gia để thực hiện các hoạt động. Họ có thể sử dụng các máy chủ ẩn danh, dịch vụ proxy, VPN và các phương thức mã hóa để che giấu địa chỉ IP và địa điểm thực sự. Điều này làm cho việc theo dõi và truy tìm trở nên khó khăn đối với cơ quan điều tra, đặc biệt là khi đối tượng đang hoạt động ở nước ngoài.
Các kênh liên lạc thông qua ứng dụng như Telegram có thể tự động xóa toàn bộ lịch sử tin nhắn sau một khoảng thời gian nhất định. Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc thu thập chứng cứ và truy vết các hoạt động của kẻ lừa đảo. Vì các hoạt động lừa đảo trực tuyến thường có tính chất đa quốc gia, việc hợp tác giữa các cơ quan điều tra và chính phủ của các quốc gia khác nhau là cần thiết. Tuy nhiên, sự hạn chế trong việc hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia có thể làm trì hoãn quá trình truy tìm và bắt giữ các đối tượng lừa đảo.
Theo chuyên gia Hiếu, số lượng vụ việc lừa đảo trực tuyến ngày càng tăng và cơ quan điều tra thường phải đối mặt với nhiều loại tội phạm khác nhau. Điều này gây áp lực lên nguồn lực và ưu tiên của cơ quan điều tra, khiến việc điều tra và truy tìm các đối tượng lừa đảo trở nên khó khăn hơn. Và việc lấy lại số tiền cũng gần như là không thể. Bởi, những cá nhân hoặc nhóm đứng sau các vụ lừa đảo này thường hoạt động dưới danh tính giả hoặc sử dụng các kỹ thuật tinh vi để che giấu dấu vết. Họ có thể không dễ dàng bị truy tìm, làm cho việc xác định và định vị chúng trở nên khó khăn. Chưa kể đối tượng còn sử dụng tài khoản ngân hàng ảo, hoặc tài khoản ngân hàng được mua lại từ người khác - thông qua những hội nhóm mua bán tài khoản ngân hàng trên Telegram.
Theo VOV