Nhiều năm qua, huyện Bình Giang thường đứng top đầu của tỉnh về điểm trung bình thi vào THPT.
Nhiều trường THCS ở Bình Giang đã khơi dậy được tinh thần tự giác và hứng thú học tập của học sinh
Có được kết quả này, ngoài triển khai tích cực, có hiệu quả nội dung, phương pháp giảng dạy, huyện Bình Giang còn có cách làm sáng tạo.
Đánh giá thực chất
Kỳ thi đầu vào THPT có ý nghĩa rất quan trọng đối với các em học sinh. Những năm học THPT luôn được xem là giai đoạn bản lề quyết định tương lai của mỗi người.
Xác định đầu vào chất lượng tốt thì đầu ra sẽ cho quả ngọt, thời gian qua, huyện Bình Giang đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các em học sinh có môi trường học tập tốt; đồng thời có những biện pháp cụ thể nâng chất lượng ôn thi vào THPT.
Toàn huyện hiện có 16/19 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. 3 trường THCS Vĩnh Tuy, Hưng Thịnh, Kẻ Sặt chưa đạt chuẩn nhưng đã có lộ trình xây dựng và phấn đấu đạt chuẩn trong năm học 2019-2020.
Tất cả các phòng học ở cấp THCS của huyện đã xây kiên cố, các phòng học và phòng bộ môn đều đạt chuẩn. Các trường đều bảo đảm các điều kiện về sách, vở, tài liệu cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ dạy và học.
Ông Hoàng Văn Đắc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Giang cho biết hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa tiêu chí kết quả thi vào THPT để đánh giá thi đua của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và đánh giá xếp loại thi đua các nhà trường.
Huyện tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên các trường về chuyên đề ôn luyện thi vào THPT; tổ chức kiểm tra bằng đề chung cho các trường THCS trong huyện.
Mỗi năm, các trường THCS tổ chức kiểm tra theo đề chung của huyện từ 5-6 lần đối với 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh cho học sinh từ khối 6 - 9. Các trường tổ chức chấm chéo, có cán bộ quản lý các nhà trường đi giám sát việc coi và chấm bài kiểm tra.
Điểm của các lần kiểm tra được tính hệ số 1, hệ số 2 và điểm học kỳ của học sinh. Kết quả kiểm tra xếp hạng theo từng học sinh, từng lớp, trường, môn học, giáo viên dạy để có sự so sánh, đánh giá tổng quan.
Công tác coi và chấm bài kiểm tra nghiêm túc sẽ cho kết quả đánh giá thực chất. Qua kết quả đó, các trường, giáo viên biết học sinh yếu môn học gì, nội dung kiến thức nào, từ đó sẽ chủ động lên kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.
“Những kỳ kiểm tra nghiêm túc, công bằng như vậy đã tạo được không khí thi đua giữa các giáo viên, các trường với nhau”, thầy Nguyễn Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hồng nói.
Theo thầy Huệ, sử dụng phần mềm chia phách của Phòng Giáo dục và Đào tạo, một giáo viên trong tổ chấm thi của huyện có thể chấm bài của học sinh 18trường khác nhau. Vì thế, không có chuyện thắc mắc về việc người chấm chặt hay lỏng. Việc ra đề chung toàn huyện, một môn với nhiều mã đề như vậy sẽ cho kết quả đánh giá khách quan hơn, tránh việc so sánh đề kiểm tra dễ, khó giữa các trường.
Giảm áp lực
Từ vị trí top cuối trong chấm điểm đầu vào THPT của các trường THCS trong huyện, Trường THCS Vĩnh Hồng đã vươn lên vị trí top đầu. Chia sẻ về bí kíp của trường, thầy Nguyễn Văn Huệ cho rằng điều quan trọng là khơi dậy tinh thần tự giác và sự hứng thú học tập của học sinh. Trường đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, ngoài nâng cao năng lực chuyên môn còn quan tâm đến công tác quản lý lớp.
Đặc biệt, để tâm hơn tới các học sinh yếu. Trường đã tổ chức hiệu quả các tiết học phụ đạo. Các lớp lập danh sách những học sinh yếu (mỗi lớp từ 5-7 học sinh) để có kế hoạch phụ đạo phù hợp. Với những học sinh này, giáo viên không tạo áp lực, giảng dạy nhiều kiến thức một lúc, chỉ hướng dẫn các em những bài tập đơn giản, thực hành nhuần nhuyễn…
Việc phối hợp với phụ huynh học sinh được nhà trường rất coi trọng. Sau mỗi đợt khảo sát, nhà trường đều gửi kết quả thi của học sinh về gia đình thông qua sổ liên lạc, hệ thống tin nhắn.
Những trường hợp học yếu, học sa sút, có biểu hiện bất thường, giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ trực tiếp phụ huynh để trao đổi bàn biện pháp tháo gỡ. Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường hiệu quả đã giúp kết quả các cuộc thi của học sinh được cải thiện rõ rệt.
Kinh nghiệm của Trường THCS Tráng Liệt, đơn vị nhiều năm đứng top đầu về điểm thi vào THPT của huyện là việc không đặt áp lực cho học sinh.
Thầy Vũ Đình Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Tráng Liệt cho biết mục tiêu mà trường hướng đến là giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Cùng với đổi mới nội dung, phương thức giảng dạy, đánh giá nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, nhà trường tăng cường rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Trường đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học kỹ năng sống, tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức xã hội, kỹ năng ứng xử, mạnh dạn tự tin hơn.
Năm 2018, Bình Giang xếp thứ 2 về điểm bình quân thi vào lớp 10 các trường THPT công lập của tỉnh với 29,25 điểm. Năm2019, với 30,49 điểm, Bình Giang đã vươn lên dẫn đầu 12 huyện, thành phố về điểm bình quân thi vào THPT. Dù kết quả một kỳ thi không thể phản ánh toàn bộ nhưng cũng phần nào thể hiện được sự nỗ lực của ngành giáo dục Bình Giang trong nâng cao chất lượng đào tạo.
HÀ NGA